Ngay sau khi loạt bài báo Sức khỏe&Đời sống phản ánh về các cơ sở “hỏa trị liệu” hoạt động nhập nhèm, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cùng các đơn vị chức năng đã vào cuộc kiểm tra và tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở “hỏa trị liệu” Minh Tâm có địa chỉ tại B16 - TT18 Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội. Để làm rõ thêm về công hiệu và tác dụng hỗ trợ trị bệnh của liệu pháp này, phóng viên báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với các cơ quan chức năng và chuyên gia trong lĩnh vực Y học cổ truyền.
Cần có thời gian nghiên cứu đánh giá
Theo PGS.TS. Phạm Vũ Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế): “Hỏa trị liệu” là một phương pháp trị liệu đã có từ lâu đời, quy chung lại đó là phương pháp trị bệnh không dùng thuốc mà dùng sức nóng của lửa, đa phần nó thích hợp với những xứ lạnh. Thời gian qua, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền cũng có nắm bắt được thông tin các cơ sở “hỏa trị liệu” xuất hiện rất nhiều, nhất là các quận nội thành Hà Nội. Cùng với đó, một số trang mạng cũng ăn theo “hỏa trị liệu” quảng cáo quá sự thật như có tác dụng giảm béo, liệt dương, yếu sinh lý, thải mỡ trong máu, thần kinh tọa… mà chưa có cơ sở khoa học nào! Thậm chí Cục cũng nhận được ý kiến phản ánh của nguyên lãnh đạo Bộ Y tế về liệu pháp “hỏa trị liệu”.
Cơ sở “hỏa trị liệu” Minh Tâm.
Đứng trước tình huống này, Viện Châm cứu Trung ương đã có đề xuất xây dựng một quy trình chuẩn. Cục cũng đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ thành lập một hội đồng khoa học để thẩm định và đánh giá chuẩn hóa các thao tác, chuẩn hóa các chỉ định…; Viện Châm cứu Trung ương cũng đã chủ động tổ chức hội thảo và họp hội đồng khoa học xin ý kiến đóng góp. Về mặt chủ trương thì Cục rất đồng ý, bởi thứ nhất là cũng nên chuẩn hóa, hai là phải làm cho rõ tác dụng của “hỏa trị liệu” đến đâu. Hội đồng khoa học cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần phải hợp nhất để đưa ra một quy trình chung của “hỏa trị liệu”, trong đó có lưu ý đến công tác PCCC, con người cần phải đào tạo huấn luyện và cấp chứng chỉ, cùng với đó, các cơ sở điều trị phải đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra thì mới được cấp phép. Tuy nhiên, việc này không thể một sớm một chiều mà làm ngay được.
Trước mắt, Viện Châm cứu Trung ương đang thử nghiệm trên một số bệnh nhân với một số bệnh thông thường như cảm lạnh, hắt hơi, sổ mũi..., đánh giá xem hiệu quả đến đâu. Sau đó, Viện sẽ có báo cáo chỉnh sửa hoàn thiện trước khi trình dự thảo lên Bộ Y tế.
Nói về nguy cơ đối với sức khỏe của “hỏa trị liệu”, PGS.TS. Phạm Vũ Khánh cho rằng, đối với “hỏa trị liệu”, về lý thuyết, những người âm hư, người sốt xuất huyết, tiêu chảy, người tăng huyết áp hoặc nói nôm na là người bị “nóng trong” thì không nên dùng. Bên cạnh đó, việc không làm đúng thao tác, đúng quy trình sẽ dẫn đến bệnh nặng thêm. Đặc biệt, khi đốt xong thì các huyệt khai mở hết mà không kiêng lại đi tắm lạnh ngay hoặc nhập phòng… thì rất dễ gây tổn hại đến sức khỏe. Ở đây chưa nói đến việc sử dụng cồn đốt mà nguy cơ hiện hữu đó là gây bỏng tại chỗ,...
Phải dựa trên cơ sở khoa học
Trao đổi với PV báo Sức khỏe&Đời sống, TTND.BS. Trần Văn Bản - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho rằng: Nếu nói “hỏa trị liệu” là một đề tài nghiên cứu khoa học mới thì phải có đánh giá thẩm định, có địa điểm áp dụng cụ thể và được phản biện đánh giá tổng kết của một hội đồng khoa học. Cá nhân tôi ủng hộ cái mới, cái chuẩn nhưng phải có cơ sở khoa học, vấn đề là có áp dụng được cho người Việt Nam hay không bởi nó còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết khí hậu địa lý từng vùng. Đối với một số nước ở vùng hàn đới thì có thể áp dụng được, nhưng ở những nước nhiệt đới thì rất nguy hiểm đối với những bệnh như tăng huyết áp, tim mạch… không thể lường trước được. Vì vậy, khuyến cáo đối với những người có nhu cầu chữa bệnh phải đến cơ sở khám chữa bệnh có uy tín, có giấy phép hoạt động được Nhà nước công nhận hợp pháp.
“Nam Y người Việt còn nhiều phương pháp trị liệu hay hơn “hỏa trị liệu”
Tiến sĩ Lương y Phùng Tuấn Giang - Chủ tịch Tổ chức quốc tế chữa bệnh bằng liệu pháp thiên nhiên tại Việt Nam cho rằng “hỏa trị liệu” là phương pháp cũng đã được áp dụng trên thế giới, nhiều nhất là ở Trung Quốc. Tuy nhiên, để áp dụng ở Việt Nam thì cần phải cân nhắc áp dụng với từng bệnh nhân cụ thể. Nhiều khi ở Trung Quốc áp dụng tốt nhưng với Việt Nam chưa chắc đã tốt, bởi vì có nhiều phương pháp chữa trị thay thế mà không cần phải dùng đến “hỏa trị liệu”. Mỗi một phương pháp có cách điều trị khác nhau, tuy vậy, nếu “hỏa trị liệu” tốt thì nên áp dụng đại trà, còn chưa tốt thì cũng nên cân nhắc phản biện và cần phải thử nghiệm xem nó có phù hợp với người Việt hay không. Bởi Nam y người Việt còn có rất nhiều phương pháp điều trị rất tốt.