Tam Đảo - Nỗi niềm trong sương bay

28-06-2014 14:14 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Tôi lên Tam Đảo, dễ tới mươi chuyến, nhưng lần này mới phân biệt được ngọn núi giữa là Phú Nghĩa. Sương tràn từ trên núi xuống....

Tôi lên Tam Đảo, dễ tới mươi chuyến, nhưng lần này mới phân biệt được ngọn núi giữa là Phú Nghĩa, bên trái là đỉnh Thạch Bàn, còn ngọn Thiên Thị ở bên phải. Một họa sĩ quân đội cho tôi biết chuyện này. Anh còn nói trên dãy núi Tam Đảo điệp trùng có tới 20 đỉnh cao hơn 1.000m. Anh còn nhớ ngọn cao nhất là 1.592m. Tôi hơi bất ngờ, vì sao một họa sĩ lại cần biết chi tiết đến thế. Anh cùng với người bạn đi xe máy lên trước và hẹn gặp nhau trên nhà sáng tác. Tôi lững thững đi lên con đường dốc. Sương tràn từ trên núi xuống. Từng đợt, từng đợt mát lạnh. Tôi vừa đi, vừa ngóng xe của đoàn đang lên.

Ngắm váy xẻ tà và ăn xôi đen

Con đường 2B dẫn lên khu du lịch Tam Đảo đi xuyên qua xã Hồ Sơn, chênh vênh, lượn cong như dải lụa, ôm lấy chân núi về phía Tây Bắc. Tôi đang mải miết đi như say với những tiếng chim ríu ran, thì chợt nghe có tiếng tù và rúc lên. Thấp thoáng có bóng ba cô gái người Sán Dìu hiện ra trong sương bay. Những bắp chân quấn sà cạp trắng xinh xắn ẩn hiện làm tôi ngẩn ngơ. Tôi vội bước theo bóng người cùng tiếng tù và, rồi lạc đường...

Bập bõm bước chân trong sương mù, tôi đang đi lộn xuống núi mà không biết, theo một con dốc đi tắt của những người dân ở Hồ Sơn. Thật ngỡ ngàng khi nắng bừng lên ở chân núi Tam Đảo, tôi đã lạc bước vào một đám ăn hỏi đang diễn ra ở thôn Núc Hạ. May mắn làm sao tôi gặp được ông Nguyễn Công Phượng, một lương y nổi tiếng ở thôn và cũng là một người đã từng tham gia nhiều cuộc hát giao duyên hồi còn trẻ. Những cô gái xúng xính trong bộ váy xẻ tà rất lạ. Cô nào cũng quấn xà cạp trắng, bó chặt bắp chân nhỏ của mình. Ông Phượng giải thích cho tôi biết, xưa, váy của các cô gái được ghép tới tám hay mười mảnh vải. Chính vì thế mà chúng được gọi là “váy lá” và người Sán Dìu còn có tên là Mán váy xẻ, hay Mán quần cộc. Những mảnh vải chàm được kết nối khéo léo tạo nên những đường xẻ, thấp thoáng để lộ những đường nét cơ thể, nên cô gái Sán Dìu nào cũng duyên dáng và e lệ trong mỗi bước đi. Ông thì thầm nói nhỏ cho tôi nghe chuyện, khi ra chợ muốn xem hàng bày ở dưới chiếu, các cô gái phải từ tốn ngồi xuống, chứ không được cúi lưng vì những đường xẻ tà sẽ tách ra, hở hang nhiều là cái đẹp không còn nữa. Bất chợt lúc này tôi nhìn thấy chiếc váy màu chàm của một cô gái đang đứng hát đối với các bạn trai trong thôn. Váy xẻ tà, nhưng chỉ hai mảnh lớn ghép lại, toát lên nét thanh thoát gọn gàng và hiện đại hơn. Tất nhiên các cô gái còn mặc cả áo nữa, dài bằng váy tới đầu gối, còn chân thì quấn xà cạp trắng. Cả bộ váy áo toát lên một vẻ đẹp kín đáo, ẩn giấu nét duyên dáng của người thiếu nữ Sán Dìu.

Một lát sau, một người đàn bà bước tới, đó là mẹ chú rể. Tôi ngạc nhiên nhìn hàm răng đen, đều đặn và đẹp như những hạt na của bà. Trên tay bà là một đĩa xôi màu đen. Bà mời tôi và ông Phượng, rồi nói đây là tục lệ của người Sán Dìu. Khách lạ đến nhà lại càng được xem trọng vì đã mang những điều may mắn đến cho con cháu. Tôi cảm ơn và nếm thử chút xôi đen. Một vị thơm của hương nếp và hương lá ngầy ngậy có vị ngọt thoang thoảng. Ông Phượng nói để làm được xôi đen, gạo nếp phải ngâm với nước lá cây lao sao trên rừng, qua một đêm khi gạo ngấm có màu đen rồi mới được đem đồ lên. Đây cũng là một thứ lá có tính bổ dưỡng riêng mà người Sán Dìu ưa chuộng.

Khi tôi hỏi đây có phải cũng là loại lá lấy nhựa để phụ nữ Sán Dìu nhuộm răng đen không thì ông Phượng lắc đầu. Ông nói, giờ đây các cô gái Sán Dìu đã bỏ thủ tục này lâu rồi, bởi không còn ăn trầu nên chả ai nhuộm răng đen nữa. Trước kia đã nói đến phụ nữ Sán Dìu là nói đến hai thứ thời trang điển hình, gồm váy xẻ tà và răng đen. Nay thì tân tiến hơn nhiều rồi. Mấy lại, ông nói, người Sán Dìu ở Hồ Sơn, Tam Đảo xuống núi đã lâu, học được nhiều cái hay của người Kinh, nên cách làm đẹp có những cải tiến đáng kể. Cũng đúng thôi, ông chỉ một cô gái mặc váy xẻ tà, rồi nói như khoe với tôi, rất đẹp đấy chứ và rất Sán Dìu có phải không nhà báo? Tất nhiên tôi gật đầu vì chính tôi phải đi theo cái nỗi xao xuyến ấy, đúng với nghĩa Sán Dìu long lanh trong sương và những bắp chân quấn xà cạp trắng xinh xinh...

Câu hát - miền tâm cảm

Khi lên tới nhà sáng tác Tam Đảo, ngỡ như mọi điều quen thuộc, ngoài chuyện tôi mới biết chính xác tên của ba ngọn núi. Còn lại cũ rích. Những hình ảnh lướt qua, những địa chỉ trở về trong trí nhớ: nào là hơn 1.000 bậc trèo lên tháp truyền hình để ngó sang bên kia Thái Nguyên; nào là đền Bà chúa thượng ngàn, con gái của Sơn Tinh và Mỵ Nương, hiện thân của đức hạnh; hay thác bạc với những câu chuyện tình dang dở; rồi chóp nhà thờ duy nhất còn giữ lại nguyên vẹn... Tôi tặc lưỡi, thế đó rồi đi lang thang xuống chợ xem vài ba cô nướng cá chim, ngô nếp.

Ngửi thấy mùi thơm phức, tôi sà vào một quán nhỏ, vớ ngay một củ khoai cháy đen vỏ. Một cô gái đeo chiếc vòng cổ bằng bạc đang nhanh tay quạt than và củi cho rực lên ánh lửa. Tôi tò mò hỏi thì mới biết, cô chính là người Sán Dìu lên đây làm ăn, tối lại xuống núi. Tôi kể chuyện mình vừa bị lạc vào một đám ăn hỏi ở thôn Hồ Sơn mới lên đây. Hoa, tên cô gái - nói, nếu chú chờ đến tối thì vui lắm. Vui gì? Hoa nói ngay đến chuyện các bạn trẻ sẽ hát giao duyên suốt đêm, mà người Sán Dìu gọi là hát Soọng Cô đó.

Hình như sự tò mò của tôi đã đánh thức một giác quan thứ sáu của cô gái. Có lẽ đó là miền tâm cảm mà chính cô mang theo lên đỉnh núi này. Một mối tình hay một nỗi niềm trớ trêu. Nhưng nhìn ánh mắt sáng lên của Hoa, tôi đoán chắc có nhiều điều nhớ nhung nằm sâu trong tâm hồn. Theo yêu cầu của tôi, Hoa bỏ thêm củi vào bếp than rồi cất giọng hát. Nghe thánh thót, thấm ngọt từng lời: “Gà gáy chưa khắp, trời sắp sáng/ Gà gáy sáng rồi, sắp chia tay/ Bố mẹ, ông bà thì còn được/ Anh em mình chia tay đứt hết ruột gan”. Tôi nghe những lời thơ dẫn dụ thật bất ngờ. Câu chuyện tình hiện ra trước mắt tôi với lời tâm sự cuối cùng của một đêm. Họ chẳng muốn chia tay khi gà gáy sáng. Tiếng lòng day dứt khi bình minh lên và họ phải tạm chia tay.

Hát dứt câu, Hoa lặng người đi trước bếp than hồng. Tôi ngờ ngợ hình như trong lòng Hoa có nỗi niềm gì đó khó nói. Tôi khéo léo gợi ý cho Hoa nhớ thêm một bài Soọng Cô nào quen thuộc nhất để cốt xóa đi cái cảm giác “chia tay đứt hết ruột gan” mà cô mới hát. Im lặng rất lâu, Hoa ngước nhìn mái tóc bạc của tôi, với một cảm giác như tìm được sự nương tựa cho nỗi niềm thầm kín chăng. Đôi mắt Hoa sáng lên chút, đôi môi ửng lên như son vậy. Cô nói đây là bài ca cho thời gian giao thời giữa năm cũ và năm mới, rồi cất lời: “Năm cũ qua đi, năm mới đến/ Hoa đào nở hết, hoa mận nở/ Hoa đào nở hết, gió thổi đi/ Hoa đào nở hết, đợi người đến”. Hoa ngừng lại một lát rồi nhắc lại lời cuối của khúc ca “Hoa đào nở hết, đợi người đến...”. Đôi mắt cô bé chợt ánh lên nỗi buồn thầm kín. Tôi ngồi lặng đi và chợt hiểu vì sao Hoa lên tận đây làm ăn. Tôi vội tìm cớ đứng dậy tạm biệt ngọn lửa đang cháy hồng trong màn sương đang tràn về thung lũng Tam Đảo. Tâm hồn tôi ngả nghiêng theo lời ca thấm đẫm nỗi niềm nhớ mong và hy vọng của một tình yêu.

Bức họa từ ngôi nhà thờ cổ

Sáng tinh mơ hôm sau, vào ngày chủ nhật, tiếng trẻ nô đùa ở đâu đánh thức tôi dậy sớm hơn mọi khi. Hình như tiếng loa và tiếng trống vang lên từ phía nhà thờ cổ gần nhà sáng tác. Mây vẫn còn phủ kín đường đi mà. Nhưng không sao, có lẽ trong cái sự tĩnh lặng đến tê tái của Tam Đảo, thì tiếng nô đùa của trẻ chính là một thứ ánh sáng, tựa như ánh bình minh vậy. Thế là tôi vớ đại chiếc giầy đi xuống đường.

Nhưng khi đến tôi mới hay anh họa sĩ quân đội kia cũng đã có mặt. Giá vẽ của anh đã ghi lại những nụ cười của con trẻ. Chúng đang chơi trò đố những điều chưa biết về Tam Đảo. Nào là củ khoai to nhất của một người nông dân Tam Đảo mới thu hoạch năm nay nặng bao nhiêu cân? Thật thú vị làm sao! Rồi còn chuyện ai là người bắt rắn nổi tiếng nhất ở núi Tam Đảo? Nghe có vẻ hấp dẫn đó. Tôi bị cuốn hút theo những câu trả lời của học trò lớp năm mà không biết. Cứ thế tôi học từng điều một. Bàn cờ tiên nằm ở ngọn núi nào trong dãy núi Tam Đảo? Hay cây thông ngàn năm tuổi nằm ở chỗ nào trên đền Tây Thiên. Hoặc những con suối trên núi Tam Đảo chảy xuống làm nên đầu nguồn của con sông Cà Lồ có đúng không? Kể cả chuyện làng thuốc người Sán Dìu ở Tam Đảo hiện có bao nhiêu loại cây thảo dược...

Nghĩa là, hàng trăm câu hỏi, với những sự lựa chọn của đáp án đã vẽ lên một Tam Đảo hết sức lung linh. Tôi nhập tâm bao điều mới lạ của Tam Đảo mà trước kia không hề nghĩ tới. Và cả những lời Soọng Cô của cô gái Sán Dìu kia nữa chứ. Đột nhiên, tiếng kèn đồng của một cậu bé vang lên, lộng lẫy như ngọn lửa cháy làm tan những đám mây đang ngủ quên trên những ngọn cây. 

Bài và ảnh: Lưu Kương


Ý kiến của bạn