Bé trai này là B.T.D (3 tuổi, trú tại Việt Trì, Phú Thọ). Trước đó, trẻ được đưa gia đình vào nhập viện với lý do sốt và đau bụng trên rốn. Tại đây, trẻ được chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng và nội soi đường tiêu hóa để chẩn đoán nguyên nhân.
Trong quá trình nội soi, các bác sĩ phát hiện tại vị trí DII tá tràng có hình ảnh dị vật (tăm tre), chiều dài khoảng 6.0cm, 01 đầu cắm vào tá tràng, 01 đầu tự do, vị trí đầu tăm tự do di động tạo thành ổ loét, đáy phủ giả mạc trắng.
Các bác sĩ đã ngay lập tức tiến hành thủ thuật gắp dị vật qua nội soi. Sau thực hiện thủ thuật, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi ổn định, vị trí tăm cắm vào tá tràng không thấy chảy máu.
Các bác sĩ đang thực hiện gắp dị vật trong tá tràng cho trẻ qua nội soi.
ThS.BS Kiều Thị Việt Hà - Phó Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng cho biết: “Dị vật đường tiêu hóa là những vật do vô tình hoặc cố ý nuốt phải trong quá trình ăn uống hay trong sinh hoạt. Phần lớn các dị vật này có thể tự đào thải ra ngoài theo phân nhờ nhu động của ống tiêu hóa.
Tuy nhiên, vẫn có khoảng 10 - 20% các dị vật cần phải điều trị do có kích thước lớn, có hình thù sắc nhọn như tăm, kim khâu, xương cá... Nếu các dị vật này không được xử lý kịp thời sẽ gây tổn thương trong đường tiêu hóa, dẫn đến biến chứng như: chảy máu, áp xe, tắc ruột, thủng ruột, thậm chí có thể tử vong”.
Từ trường hợp bệnh nhi D. các bác sĩ khuyến cáo: Bố mẹ cần chú ý quan sát trẻ, để xa tầm với của trẻ nhỏ tất cả các vật dụng nhỏ có thể gây nguy hiểm cho trẻ; luyện cho trẻ thói quen không cho các vật và đồ chơi vào miệng ngậm mút.
Trong quá trình chăm sóc trẻ không nên để trẻ vừa ăn vừa chạy nhảy, cười đùa; cần đảm bảo loại bỏ hoàn toàn xương khi cho trẻ ăn các thức ăn có xương như cá, gà…
Khi phát hiện trẻ đã nuốt phải dị vật cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để được thăm khám và xử trí kịp thời.