Hà Nội

Taliban tuyên bố giành quyền kiểm soát Afghanistan: Tương lai khó đoán định

16-08-2021 19:50 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 16/8 (theo giờ Việt Nam), lực lượng Taliban tuyên bố nắm quyền kiểm soát Afghanistan và nói rằng sẽ đưa đất nước này trở thành "Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan".

Taliban tuyên bố giành quyền kiểm soát Afghanistan: Tương lai khó đoán mở - Ảnh 1.

Lực lượng Taliban phất cờ trên dinh tổng thống ở Kabul ngày 16/8.

Cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình

Lực lượng Taliban hiện đã kiểm soát Afghanistan, đồng thời chặn mọi tuyến đường dẫn tới thủ đô Kabul. Các nước phương Tây bắt đầu quá trình sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân khỏi quốc gia Trung Á này. Ngày 15/8, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã rời khỏi đất nước và khẳng định lý do ra đi để tránh "đổ máu thêm".

Đến tối 15/8, quyền Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan Abdul Sattar Mirzakwal cho biết sẽ có một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình cho Taliban.

Ngày 16/8, người phát ngôn của Văn phòng chính trị Taliban Mohammad Naeem tuyên bố trên kênh truyền hình Al Jazeera TV: "Chiến tranh đã kết thúc trên đất nước này". Người này cho hay, hình thức nhà nước và chế độ chính trị ở Afghanistan sẽ sớm được làm rõ, đồng thời tuyên bố lực lượng này không muốn sống cô lập và kêu gọi thiết lập quan hệ hòa bình với quốc tế.

"Chúng tôi đã đạt được những gì chúng tôi đang tìm kiếm. Chúng tôi sẽ không cho phép bất cứ ai sử dụng vùng đất của chúng tôi để nhắm mục tiêu vào bất kỳ ai, và chúng tôi không muốn làm hại người khác" – Người phát ngôn Naeem khẳng định.

Người phát ngôn này nói thêm rằng "không nghĩ các lực lượng nước ngoài sẽ lặp lại trải nghiệm thất bại ở Afghanistan một lần nữa", nhấn mạnh sẵn sàng giải quyết các mối quan tâm của cộng đồng quốc tế qua đối thoại.

Còn phát ngôn viên khác của Taliban Sohail Shaheen cho biết chính phủ mới dưới sự nắm quyền của Taliban sẽ bao gồm cả những người Afghanistan không phải thành viên của lực lượng này. Người này cho biết Taliban không muốn người dân Afghanistan chạy khỏi đất nước, mà hãy ở lại và giúp tái thiết đất nước hậu xung đột.

Ông Shaheen khẳng định rằng người dân ở thủ đô Kabul không cần lo lắng và tài sản cùng sinh mạng của họ vẫn an toàn. "Chúng tôi là đầy tớ của nhân dân và của đất nước này" - ông Shaheen nhấn mạnh.

Sự lo ngại của quốc tế

Hiện Lầu Năm Góc đã phê duyệt thêm 1 nghìn binh sĩ tới giúp sơ tán công dân ở Afghanistan và những người đã làm việc cho họ ở Kabul. Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan cảnh báo tình hình an ninh ở sân bay thành phố đang thay đổi nhanh chóng, khi nhiều người đang nỗ lực rời khỏi Afghanistan. 

Ngày 16/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris đã cuộc họp trực tuyến với nhóm an ninh quốc gia để cập nhật về tình hình ở Afghanistan. Những người tham gia cuộc họp này bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley, Giám đốc CIA William Burns, Giám đốc Tình báo quốc gia Avril Haines, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, và các quan chức cấp cao khác. 

Tổng thống Biden dự kiến phát biểu trước toàn quốc trong vài ngày tới về cuộc khủng hoảng ở Afghanistan, theo một quan chức cấp cao của chính quyền, dù quyết định cuối cùng về việc phát biểu chưa được đưa ra.

Cũng trong ngày 16/8, Mỹ cùng hơn 65 quốc gia đưa ra tuyên bố kêu gọi Taliban cho phép người Afghanistan rời khỏi đất nước nếu họ có nguyện vọng.

"Mỹ cùng cộng đồng quốc tế khẳng định người Afghanistan và công dân quốc tế muốn rời khỏi đất nước này phải được đáp ứng nguyện vọng" - Ngoại trưởng Antony Blinken viết trên mạng xã hội Twitter khi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra tuyên bố có chữ ký của các đồng minh thân cận.

Trong khi đó, Hợp Quốc (LHQ) lên tiếng kêu gọi Taliban và các bên kiềm chế tối đa để bảo vệ sinh mạng người dân và đảm bảo các nhu cầu nhân đạo có thể được tiếp cận". Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ quan tâm đặc biệt "đến tương lai của phụ nữ và trẻ em gái, nhóm người cần phải được bảo vệ".

Được biết, Liên Hợp Quốc có khoảng 3.000 nhân viên người Afghanistan và 300 nhân viên nước ngoài tại Afghanistan. Hiện một số nhân viên đã chuyển đến Kabul nhưng chưa ai rời khỏi nước này.

Người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric phát biểu: "Liên Hợp Quốc vẫn quyết tâm giữ vai trò giải quyết hòa bình, thúc đẩy quyền con người của tất cả người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho dân thường đang gặp khó khăn".

Dự kiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp về tình hình Afghanistan vào 10h ngày 16/8 (giờ địa phương) tại New York, Mỹ.

Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh sự cần thiết tránh các cuộc tàn sát tại Afghanistan. Phát ngôn viên của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell nói: "Chúng tôi hiểu rằng các cuộc đàm phán đang được tiến hành về một hệ thống chuyển giao chính quyền và chúng tôi sẽ phản ứng theo kết quả của cuộc chuyển giao".

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định sẽ hỗ trợ người dân Afghanistan tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột hiện nay, điều mà tổ chức này khẳng định là "cấp bách hơn bao giờ hết".

Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga tại Afghanistan, Giám đốc Vụ châu Á II Bộ Ngoại giao Nga Zamir Kabulov cho biết ông sẽ có các cuộc tiếp xúc với đại diện lực lượng Taliban. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định Tehran sẵn sàng "tiếp tục thực hiện những nỗ lực kiến tạo hòa bình".


Hà Anh (Theo BBC, Reuters)
Ý kiến của bạn