Đều đặn từ sáng sớm mỗi ngày, ông Trần Quang Huy lái xe từ xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) sang khu vực gần bến xe Nước Ngầm để chạy xe ôm công nghệ. Những ngày nắng nóng với nền nhiệt lên tới 39-40 độ là nỗi ám ảnh với người đã có tuổi như ông Huy.
Tranh thủ đứng nghỉ dưới bóng mát của gốc cây sau cuốc xe, mồ hôi vẫn còn chảy trên trán, ông Huy chia sẻ: "Nắng nóng kinh khủng. Đứng một chỗ thôi cũng toát hết mồ hôi rồi. Đi ngoài đường hơi nóng cứ hầm hập phả vào mặt. Chạy một lúc thôi mà hoa hết cả mắt".
Chờ nhận đơn hàng từ khách, anh Kiều Duy Khang, một tài xế chuyên vận chuyển đơn hàng hỏa tốc và đồ ăn, thức uống cho biết, chạy xe ôm, giao hàng những ngày nắng nóng tuy vất vả, nhưng thu nhập sẽ nhỉnh hơn khoảng 20-30% so với những ngày thời tiết mát mẻ.
"Những ngày nắng nóng thế này, nếu chịu khó tài xế sẽ có thu nhập cao hơn. Bởi trời nắng, nhiều người không chạy xe trong khi nhu cầu đặt đồ, chuyển hàng của mọi người tăng lên. Chủ yếu là đồ uống và thức ăn. Có những ngày mình giao đến hơn 30 đơn hàng là đồ uống. Thu nhập trừ chi phí xăng xe, được cầm về hơn 500.000 đồng", anh Khang chia sẻ.
Dù nhu cầu đặt đồ, chuyển đơn hàng những ngày thời tiết nắng nóng tăng cao, nhưng nhiều tài xế cũng không dám chạy hết "công suất". Sau mỗi cuốc xe, đơn hàng, các tài xế lại tranh thủ nghỉ chân ở những nơi có bóng mát hoặc trong quán nước ven đường.
Nghỉ ngơi dưới bóng mát ven đường Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội) chờ những chuyến xe tiếp theo, anh Nguyễn Văn Thành cho biết, chạy xe những ngày nắng nóng như thế này không phải cứ hùng hục là được. Nhiều bạn trẻ mới chạy xe chưa có kinh nghiệm, miệt mài không biết điều phối sức rất dễ bị say nắng.
"Ngày trước khi mới từ quê lên Hà Nội, cũng vì cơm áo gạo tiền, tôi chạy xe một cách điên cuồng mà không để ý đến sức khỏe, cố gắng có tiền gửi về nhà lo trang trải cuộc sống cho vợ con. Đã có lần tôi bị ngất ngoài đường vì say nắng, may mắn được mọi người đưa vào bệnh viện. Từ đó, tôi cũng biết lượng sức mình hơn, nhất là khi phải chạy xe những ngày nắng nóng", anh Thành kể.
Phòng tránh bị sốc nhiệt trong những ngày nắng nóng, TS.BS Hà Thị Bích Vân, Trưởng Khoa Cấp cứu, BVĐK tỉnh Phú Thọ khuyến cáo:
– Đưa ngay người bệnh vào nơi mát mẻ. Ở trong nhà là tốt nhất, nhưng nếu chưa có điều kiện hãy đưa họ vào nơi có bóng râm. Cởi càng nhiều quần áo bên ngoài càng tốt. Gọi điện thoại cho xe cấp cứu. Sử dụng quạt làm mát trong khi chờ đợi.
– Làm giảm thân nhiệt người bệnh càng sớm càng tốt ngay tại hiện trường, không nên chờ khi đến viện bằng một khăn ướt (vắt ráo nước), chườm mát, quạt mát. Thường xuyên đo nhiệt độ và tiếp tục làm chườm mát cho đến khi thân nhiệt giảm xuống 38 độ C (100,4F). Khi nhiệt độ đã giảm, hãy bỏ tấm khăn ướt và thay bằng tấm khô. Trấn an người bệnh cho đến khi có sự trợ giúp của nhân viên y tế. (Lưu ý tránh dùng nước đá dội có thể làm co mạch ngoại vi tăng thân nhiệt trung tâm)
– Khi có xe cấp cứu đến cần nhanh chóng vừa hỗ trợ làm mát cơ thể, vừa đưa người bệnh đến các cơ sở y tế.