Hà Nội

Tài xế vỡ tim vì đập ngực vào vô lăng tay lái

22-07-2018 20:27 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - BV Việt Đức vừa cấp cứu cho một bệnh nhân bị chấn thương vỡ tim do tai nạn giao thông. Bệnh nhân bị đập ngực mạnh vào vô lăng ô tô khiến bệnh nhân đau lịm người, nhanh chóng lên cơn đau ngực dữ dội, kèm theo tình trạng khó thở.

Ngày 25/6/2018, bệnh nhân nam, 55 tuổi (ở Tân Yên, Bắc Giang) được đưa vào BV Việt Đức cấp cứu sau cú đập mạnh ngực vào vô lăng tay lái vì tai nạn giao thông. Sau tai nạn, bệnh nhân được sơ cứu tại BV địa phương và chuyển vào Việt Đức trong tình trạng sốc, chấn thương nặng, huyết áp thấp, dấu hiệu ép tim rõ, triệu chứng điển hình của chấn thương tim (vỡ tim) sau tai nạn.

Người nhà bệnh nhân cho biết, người đàn ông này đang lái xe thì bất ngờ va chạm giao thông. Cú đập ngực mạnh vào vô lăng ô tô đã khiến bệnh nhân đau lịm người, nhanh chóng lên cơn đau ngực dữ dội, kèm theo tình trạng khó thở.

Bệnh nhân được chuyển đến BV địa phương sơ cứu và chuyển tiếp đến BV Việt Đức. Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân sốc, chấn thương nặng, huyết áp thấp, có dấu hiệu ép tim, vết xây xát da rộng trước ngực. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị chấn thương tim, vỡ tim do tai nạn giao thông và được chỉ định phẫu thuật ngay.

Trong quá trình phẫu thuật mở ngực, bác sĩ nhận thấy tim bệnh nhân căng to, nhiều máu nên đã tiến hành khâu và rửa sạch khoang màng tim. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt.

GS.TS Nguyễn Hữu Ước.


Các ca vỡ tim hi hữu

GS.TS Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, BV Việt Đức cho biết, vỡ tim là tổn thương phức tạp có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Chấn thương tim là tình trạng quả tim bị dập, tụ máu, rách, vỡ. Biểu hiện nhẹ nhất là cơ tim dập, đến nặng nhất toàn bộ quả tim đứt rời ra khỏi vị trí, có thể chui vào bất cứ bộ phận nào trong cơ thể.

"Các ca vỡ tim do chấn thương, tai nạn rất nguy hiểm, diễn biến vô cùng nặng. Có những trường hợp tim vỡ đứt rời, chui hẳn lên não, bệnh nhân không có cơ hội cứu chữa"- chuyên gia tim mạch này cho hay.

Cũng theo GS. Ước, những trường hợp vỡ tim hầu hết do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt. Với những trường hợp bị vỡ tim, cảm nhận đầu tiên là đau ngực kinh hoàng và khó thở dữ dội khiến người bị chấn thương nằm hay ngồi đều cảm thấy khó thở, nói không ra hơi trong khi biểu hiện bên ngoài không đặc biệt.

Tỉ lệ chấn thương ngực nặng bị chấn thương tim rất cao, 50 - 70% chấn thương ngực nặng có chấn thương tim. Trong đó, 70-80% thể nhẹ đụng dập, tụ máu nên người bệnh có thể chủ quan không biết, đau tức ở ngực vài hôm rồi hết. Số ca chấn thương tim còn lại là rất nặng, tim đứt rời cuống. Đa số chấn thương nặng 90% chết ngay sau khi tai nạn. Số còn sống sau tai nạn thì 90% chết trên đường vận chuyển và số còn lại khi vào bệnh viện thì đến 90% tử vong ngay trước khi được chẩn đoán. GS. Ước đã từng gặp bệnh nhân bị ô tô chèn qua ngực, chấn thương tim nặng nề đến đứt rời và quả tim chèn lên đầu người bệnh.

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, GS. Ước cũng gặp những ca vỡ tim vẫn sống sót rất hi hữu. Điển hình đó là trường hợp một bệnh nhân ở Hải Dương bị vỡ tim 8 năm trước, bệnh nhân bị gầu máy xúc đập vào ngực gây vỡ vụn buồng tim. Nhưng may mắn, ngoài buồng tim có lớp màng che chắn nên bệnh nhân được đưa đến BV Việt Đức để xử lý kịp thời. "Bệnh nhân vỡ đến 3 buồng tim vẫn được cứu sống được là một kỳ tích, vô cùng hi hữu. Bình thường, với các bệnh nhân chỉ vỡ 1 buồng tim thì mới còn cơ hội cứu chữa, còn khi vỡ hơn một buồng tim trở lên, tỉ lệ tử vong đến 90%" - GS. Ước chia sẻ.

Ngoài ra, các ca tai nạn gây vết thương tim do các vật sắc nhọn cũng rất đáng lưu ý. Trước đó 5 – 7 năm Việt Đức tiếp nhận khoảng 20 ca vết thương tim mỗi năm, nay con số này giảm xuống do BV tuyến tỉnh đã được chuyển giao, cấp cứu các ca phẫu thuật tim mạch. Nhờ vậy, tỉ lệ bệnh nhân sống cũng cao hơn, giảm nguy cơ tử vong trên đường vận chuyển bệnh nhân.

GS. Ước khuyến cáo, khi gặp bệnh nhân bị tai nạn nhiều thương tổn tim cần nhanh chóng đưa bệnh nhân vào bệnh viện tuyến tỉnh để xử lý kịp thời. Với các vết thương tim chảy máu ngoài thì bệnh nhân rất dễ tử vong, cần nhanh chóng chèn chống mất máu, hồi sức tại hiện trường, truyền tại hiện trường rồi chuyển đến cơ sở  y tế...


Dương Hải
Ý kiến của bạn