Ông Bạch Thanh Hải, Giám đốc Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - khe Nước Trong (Quảng Bình) cho biết, đơn vị đang phối hợp với Trường Đại học Quảng Bình thực hiện hoạt động "Nghiên cứu đặc điểm sinh học và thử nghiệm sản xuất giống cá mát (Onychostoma gerlachi Peters, 1881) tại tỉnh Quảng Bình".
Theo ông Hải, cá niên (còn được gọi là cá mát) thường sinh sống ở những vùng nước sạch hay các khe suối có thác, nước chảy ở vùng núi. Cũng chính bởi lẽ đó người dân còn gọi cá mát là cá "sạch".
Đây là loài thủy sản quý có giá trị kinh tế và môi trường cao, nhưng đang suy giảm nghiêm trọng tại Quảng Bình do khai thác quá mức và biến đổi môi trường sống. Sách đỏ Việt Nam năm 2007, liệt cá mát vào mức nguy cấp (VU) và cần được bảo vệ ngay. Cá mát cũng là một trong 6 loài thủy sản cần được bảo tồn và phát triển theo Quyết định 5529/QĐ-UBND năm 2013.
Xác định nhiệm vụ bảo tồn và tái tạo cá niên trong môi trường tự nhiên, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - khe Nước Trong phối hợp với Trường Đại học Quảng Bình thực hiện hoạt động nghiên cứu, bảo tồn, tái tạo.
Theo đó, nhiệm vụ nghiên cứu do Trường Đại học Quảng Bình chủ trì, nhằm xác định đặc điểm sinh học, sinh thái của loài cá này. Đồng thời xây dựng quy trình sản xuất giống để bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản địa phương.
Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu triển khai 3 tuyến điều tra, thu thập 180 mẫu cá, tiến hành phân tích nguồn gen và xác định chính xác tên khoa học của cá mát. Trong đó có nhiệm vụ thu gom và nuôi vỗ thành công 600 cá thể bố mẹ và thực hiện sinh sản nhân tạo. Qua 3 đợt, kết quả thu được 60.000 cá bột đạt chất lượng, trong đó 13.000 cá giống được thả về tự nhiên.
Theo ông Hải, hoạt động thả tái tạo cá giống đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực khôi phục nguồn lợi cá mát tại Quảng Bình, góp phần bảo vệ nguồn gen quý giá và duy trì sự đa dạng sinh học tại Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong.
"Việc này không chỉ hỗ trợ cân bằng hệ sinh thái mà còn mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành Thủy sản, đóng góp thiết thực vào sinh kế của người dân địa phương', ông Hải cho biết.
Tại Quảng Bình, cá mát là một trong những nguyên liệu quan trọng để đồng bào Bru - Vân Kiều, Chứt ở vùng núi phía Tây Quảng Bình chế biến nhiều món ăn đặc sản.
Theo bà Hồ Thị Thươi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, bà con Bru - Vân Kiều, dân tộc Chứt ở xã miền núi Dân Hóa thường xuyên xuống khe, suối bắt cá mát.
Loài cá này sống ở vùng nước chảy và chỉ ăn rong rêu nên cá này rất sạch. Cá mát vừa lành, vừa bổ, thịt lại thơm ngon, mỡ béo ít xương. Theo kinh nghiệm dân gian, cá mát có tác dụng lợi sữa, tốt cho tim mạch và thích hợp với cả người già và người béo phì.
"Cá mát có thể kho, rán, nấu canh chua… nhưng ngon nhất vẫn là nướng. Đặc biệt, ruột cá mát dùng để chấm rau thì tuyệt vời, vị đắng của ruột cá làm người ăn nhớ mãi. Để bắt được cá mát rất khó nên giá bán cũng khá cao", bà Thươi cho biết.