Tại sao viêm họng mạn tính hay tái phát?

14-07-2015 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Người bị VHMT thường có cảm giác khô, rát, ngứa họng, nuốt nước bọt thấy vướng, hơi nghẹn, xuất tiết nhiều đờm...

Người bị VHMT thường có cảm giác khô, rát, ngứa họng, nuốt nước bọt thấy vướng, hơi nghẹn, xuất tiết nhiều đờm, người bệnh phải khạc, nhổ liên tục. Nếu do viêm xoang, dịch mủ thường xuyên chảy xuống họng gây cảm giác khó chịu. Người bệnh ho nhiều, ho khan nhất là vào sáng sớm và khi bị lạnh cổ hoặc uống nước lạnh (kem hoặc nước lạnh, bia lạnh). Sáng sớm, lúc mới ngủ dậy có thể giọng nói hơi bị khàn, sau đó trở lại bình thường. Bệnh nhân không thể nói trong thời gian dài, hoặc nói nhiều cảm thấy ngứa họng, giọng nói thay đổi, khó nghe.

Bệnh rất dễ tái phát, do các chất nhầy, mủ từ viêm mũi, xoang chảy xuống họng (phía sau thành họng). Nếu một người đang mắc bệnh VHMT đã ổn định mà hít phải các chất độc hại có tính chất thường xuyên như bụi (bụi đường, bụi công nghiệp) trong đó có các chất hóa học, chất hữu cơ), khói bếp, khói thuốc và các chất độc hại khác, nguy cơ bệnh tái phát rất cao. VHMT tái phát và nặng thêm cũng có thể do người bệnh mắc thêm một số bệnh như trào ngược dạ dày - thực quản, dị ứng, hen suyễn. VHMT có thể dẫn đến viêm thanh quản, khí, phế quản, viêm xoang, viêm amiđan. Người bệnh mệt mỏi, mất ngủ (do ho, khạc nhổ vào ban đêm), ăn uống kém dẫn đến suy nhược cơ thể.

Thầy thuốc khuyên gì?

Để điều trị VHMT có hiệu quả, cần tìm nguyên nhân gây bệnh (vi khuẩn, nấm). Nếu bị viêm tai, mũi, xoang... phải điều trị tích cực. Người bệnh VHMT cần đi khám bệnh định kỳ hoặc theo lời dặn của bác sĩ để chữa trị dứt điểm, không nên chủ quan và không nên tự mua thuốc để điều trị, bởi vì làm như vậy bệnh không những không khỏi mà đôi khi còn nặng thêm.

Để phòng bệnh VHMT và tránh tái phát, cần vệ sinh đường hô hấp trên hàng ngày thật tốt và thường xuyên như súc họng bằng nước muối nhạt, đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Trẻ em cũng cần được vệ sinh họng, miệng ngay từ lúc còn nhỏ để phòng tránh mắc bệnh về đường hô hấp trên (viêm VA, viêm họng, viêm amiđan, viêm mũi). Giữ ấm cơ thể tránh bị cảm lạnh. Khi đã mắc bệnh đường hô hấp trên, cần được điều trị dứt điểm ngay từ đầu không để bệnh trở thành mạn tính. Đồng thời loại bỏ một số thói quen không tốt như hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, ăn thức ăn quá cay hoặc nóng; không sử dụng đồ uống, đồ ăn vừa được lấy ra từ tủ lạnh. Mỗi khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang nhằm hạn chế hít phải bụi. Nên có chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục đều đặn để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

BS. Bùi Phương Linh

 

 

 

 

 

 

 


Ý kiến của bạn