Tại sao vi khuẩn đề kháng được thuốc kháng sinh?
Vi khuẩn luôn là mối đe dọa lớn đến tính mạng người bệnh do chúng gây nên các bệnh nhiễm trùng từ đơn giản (mụn, nhọt, viêm họng…) đến những bệnh nguy hiểm như: viêm phổi, lao toàn thể, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết… Trong quá trình tiến triển, con người luôn tìm mọi cách để tiêu diệt vi khuẩn, nhưng chúng ta đang bị động trong việc tiêu diệt chúng. Bởi vì, không biết bao nhiêu nhóm kháng sinh được con người nghiên cứu ra chỉ một thời gian vi khuẩn đã đề kháng, trong đó có những loại vi khuẩn đa đề kháng với các loại kháng sinh. Khi vi khuẩn đề kháng với kháng sinh sẽ gây hết sức khó khăn cho bác sĩ điều trị, gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh và ảnh hưởng lớn đến cả cộng đồng. Vậy, vi khuẩn làm thế nào để đề kháng được kháng sinh?
Vi khuẩn kháng lại kháng sinh là do gen, gen kháng thuốc có thể là tự nhiên (bản thân vi khuẩn đó đã có sẵn) hoặc có thể là do thu được trong quá trình sống. Gen kháng thuốc có được có thể do đột biến, tức là do thuốc kháng sinh làm đột biến chất liệu di truyền của vi khuẩn. Sự đột biến chỉ xảy ra khi thuốc được dùng với liều lượng không đủ hoặc không đủ thời gian để ức chế hoặc tiêu diệt vi khuẩn. Vì vậy, vi khuẩn có thể vẫn sống sót sau đợt điều trị đó, chúng sinh sôi nẩy nở ra hàng loạt vi khuẩn thế hệ con cháu mang tính kháng thuốc như thế hệ sinh ra nó. Ngoài ra vi khuẩn kháng thuốc còn truyền cho nhau (ngay cả vi khuẩn khác loài) gen kháng thuốc nhờ hệ thống di truyền ngoài nhiễm sắc thể, đó là plasmide (vi khuẩn E.coli kháng chloramphenicol có thể truyền gen kháng thuốc này cho Shigella và làm cho vi khuẩn Shigella kháng Chloramphenicol). Chính vì sự lan truyền gen kháng thuốc như vậy cho nên khắp toàn cầu đều gặp vi khuẩn kháng thuốc.
Vi khuẩn cũng có thể kháng thuốc kháng sinh theo cơ chế là gen kháng thuốc giúp vi khuẩn thay đổi chuyển hóa theo hướng không sử dụng kháng sinh trong môi trường chúng sinh sống, vì vậy, khi kháng sinh xuất hiện cũng không tiêu diệt hoặc ức chế được chúng. Do đó, dù có hay không có kháng sinh, vi khuẩn cũng không bị tiêu diệt, đặc biệt là các loại kháng sinh thuộc hóm Sulphonamide, Quinolin, Macrolide. Bên cạnh đó, một số nhà chuyên môn còn cho rằng vi khuẩn còn có khả năng kháng lại kháng sinh bằng cách thải trừ kháng sinh ra khỏi cơ thể chúng (ví dụ P. aeruginosa: trực khuẩn mủ xanh). Ngoài vi khuẩn có khả năng kháng lại kháng sinh còn một số yếu tố khác.
Nhiều trường hợp coi thuốc kháng sinh là thuốc chữa bách bệnh
Những đối tượng nào đã và đang giúp sức cho vi khuẩn kháng thuốc?
Đó là chỉ định dùng thuốc kháng sinh không đúng của bác sĩ khám bệnh. Một số không ít bác sĩ kê đơn cho người bệnh điều trị không đúng đối tượng (ví dụ, sốt là cho kháng sinh), thêm vào đó là không tuân theo một trong các quy định sử dụng kháng sinh (dùng kháng sinh phổ hẹp trước, nếu bệnh giảm ít hoặc không thuyên giảm mới chỉ định dùng kháng sinh phổ rộng). Một hiện tượng khác khá phổ biến là dùng kháng sinh điều trị bao vây và kê đơn không đủ liều lượng, không đủ thời gian. Các hiện tượng đó đều có khả năng làm cho vi khuẩn kháng thuốc.
Đối tượng thứ hai tiếp tay cho vi khuẩn kháng thuốc là người bán thuốc, đây là đối tượng cần được bàn luận nhiều nhất vì bán thuốc kháng sinh bừa bãi, vô tội vạ, không có đơn cũng bán một cách vô tư. Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ mua vài ba viên kháng sinh vẫn bán, nghĩa là với người bán thuốc lợi nhuận là trên hết. Nếu cứ bán thuốc tràn lan như vậy, vi khuẩn càng ngày càng kháng thuốc là điều không thể tránh khỏi.
Đối tượng thứ ba là người mua thuốc, hầu hết người tự đến quầy thuốc để mua kháng sinh là không hiểu gì về kháng sinh, bởi vì họ có được tư vấn bao giờ đâu. Nhiều trường hợp coi thuốc kháng sinh là thuốc chữa bách bệnh, nghĩa là bệnh gì cũng dùng kháng sinh.
Mặt khác, các cơ quan có liên quan chưa có quy định chặt chẽ và bắt buộc việc bán thuốc kháng sinh nhất thiết phải có đơn thuốc của bác sĩ khám bệnh (lưu đơn thuốc kháng sinh để đối chiếu với nhập và xuất)
Hậu quả là vi khuẩn kháng thuốc tràn lan trong cộng đồng dân cư, làm cho bác sĩ rất khó điều trị, người bệnh không những bệnh không khỏi mà gây tốn kém, thậm chí gây nguy hiểm chết người (dị ứng thuốc, sốc phản vệ…).
Nên làm gì để ngăn chặn vi khuẩn kháng thuốc trong cộng đồng?
Bộ Y tế cần phải có các đợt tập huấn (đào tạo lại) cho các bác sĩ điều trị về nguyên tắc sử dụng kháng sinh, từ tỉnh đến huyện, quận. Bác sĩ tuyến tỉnh, sau khi được tập huấn, sẽ tổ chức cho tuyến quận, huyện và tuyến quận, huyện, tổ chức tập huấn cho tuyến xã, phường, đặc biệt lưu ý đến đội ngũ bác sĩ ở các bệnh viện, phòng khám tư nhân.
Điều quan trọng nhất là quản lý thuốc. Để không có thuốc kháng sinh bán tràn lan như hiện nay, việc bán thuốc theo đơn cần được thực hiện bắt buộc triệt để (giống như quản lý thuốc gây nghiện). Khi quản lý chặt chẽ việc bán thuốc theo đơn, cho dù người muốn mua (không có đơn thuốc) cũng không thể nào mua được. Đồng thời cần có chế tài kiểm tra việc nhập và bán kháng sinh có phù hợp với số lượng thuốc bán theo đơn thu về hay không.
Nên có các đợt tuyên truyền rộng khắp trong toàn dân với các hình thức khác nhau, tập trung vào “kháng sinh không chữa được bách bệnh mà chỉ chữa các bệnh do vi khuẩn gây ra, không tự mua thuốc kháng sinh để điều trị vì sẽ gây ra nhiều bất lợi cho người bệnh, thậm chí nguy hiểm tính mạng và dùng kháng sinh phải có đơn thuốc của bác sĩ”.