Chử Thị Thành (Nam Định)
Bác Thành thân mến! Theo như bác viết trong thư có thể đây là tác dụng phụ của loại thuốc trị tăng huyết áp. Bác không nói rõ là đang dùng loại thuốc trị huyết áp nào, nhưng trong điều trị tăng huyết áp, có hai loại thuốc có thể làm tăng mỡ máu là thuốc chẹn beta và thuốc lợi tiểu.
Thuốc chẹn beta có thể làm giảm nồng độ HDL-cholesterol và tăng nồng độ triglyceride. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, những thay đổi lipid máu là rất ít. Điều quan trọng cần lưu ý rằng không phải tất cả các thuốc chẹn beta đều có tác dụng này. Các thuốc chẹn beta làm thay đổi nồng độ lipid bao gồm: atenolol, bisoprolol, metoprolol, nadolol, propanolol.
Các thuốc lợi tiểu thường làm tăng chỉ số cholesterol như: Thuốc lợi tiểu thiazide (hydrochlorothiazide, chlorothiazide, metolazone) và thuốc lợi tiểu quai (furosemide, torsemide, bumetanide). Thuốc lợi tiểu thiazide gây ra sự tăng tạm thời nồng độ cholesterol toàn phần, triglyceride và LDL cholesterol. Nồng độ HDL cholesterol nhìn chung không bị ảnh hưởng. Indapamide là thuốc lợi tiểu thiazide duy nhất không làm ảnh hưởng đến chỉ số cholesterol. Thuốc lợi tiểu quai tác động lên các chỉ số lipid tương tự như lợi tiểu thiazide, tuy nhiên, một số thuốc đã cho thấy làm giảm nhẹ chỉ số HDL cholesterol.
Mặc dù thuốc lợi tiểu có tác dụng phụ gây tăng mỡ máu nhưng đây lại là loại thuốc có vai trò quan trọng trong việc điều trị tăng huyết áp. Vì thế, bác không nên ngừng dùng thuốc lợi tiểu mà nên thay đổi chế độ ăn, tăng cường vận động và các can thiệp lối sống khác.
Bác nên thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ: Xét nghiệm chỉ số lipid máu định kỳ để kiểm soát chỉ số lipid máu. Có một số cách để khắc phục như: Bác sĩ sẽ cho uống thêm một thuốc hạ cholesterol máu, thay đổi liều lượng thuốc trị tăng huyết áp hiện tại, hoặc đổi một loại thuốc có tác dụng điều trị tương tự bên cạnh việc thực hiện điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và kết hợp tập luyện để cải thiện nồng độ cholesterol.
Chúc bác mau khỏe!