Sự xuất hiện của mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi đôi khi là biểu hiện của sự nam hóa và có thể báo hiệu sự phát triển trứng cá nặng ở tuổi vị thành niên. Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi cần phải được phân biệt với các tình trạng bệnh lý khác.
Nguyên nhân gây ra mụn trứng cá ở trẻ em
Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh được cho là do tăng hoạt động của tuyến bã nhờn đáp ứng với nội tiết tố androgen của trẻ sơ sinh và nội tiết tố androgen của mẹ đã đi qua nhau thai. Nồng độ androgen giảm dần sau khoảng 1 năm. Vào khoảng 7 tuổi, quá trình sản xuất androgen bắt đầu trở lại từ tuyến thượng thận.
Từ sơ sinh đến khoảng 12 tháng tuổi, nồng độ hormone tạo hoàng thể LH tương tự như ở tuổi dậy thì. Ở trẻ trai, điều này dẫn đến tăng sản xuất testosterone và có thể giải thích tỷ lệ mụn trứng cá ở trẻ trai độ tuổi này cao hơn so với trẻ gái.
Tăng sản xuất bã nhờn dẫn đến tăng vi khuẩn gây mụn trứng cá ở nang lông, và giống như mụn trứng cá ở người trưởng thành, điều này dẫn sự bít tắc lỗ chân lông do bã nhờn và tế bào sừng, đồng thời dẫn đến hiện tượng viêm.

Tổn thương là các nhân đóng ở má, gặp ở trẻ 3-6 tháng tuổi
Biểu hiện trẻ sơ sinh có mụn trứng cá
Mụn trứng cá thường gặp ở 4 tuần đầu sau sinh, tỉ lệ gặp ở trẻ nam cao hơn. Tổn thương là các nhân đóng ở trán, mũi, má. Ít gặp sẩn viêm, mụn mủ.
Mụn mủ đầu mặt ở trẻ sơ sinh (neonatal cephalic pustulosis –NCP ): sẩn, mụn mủ khu trú ở mặt, thường ở má, cằm, trán, mi mắt, ít hơn ở ngực, da đầu, cổ, không có nhân, liên quan đến Malassezia.
Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh (neonatal acne): xuất hiện trong 4 tuần đầu sau khi sinh, tổn thương phổ biến nhất là sẩn, mụn mủ, tự giới hạn, thường tự khỏi sau 4 tuần - 3 tháng, thường gặp ở trẻ nam.
Mụn trứng cá ở trẻ nhũ nhi (infantile acne): khởi phát muộn hơn, thường từ tháng thứ 3-6, tổn thương đa dạng: nhân, sẩn, mụn mủ, cục, nang, có thể để lại sẹo
Cách trị mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh
Hầu hết mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh tự khỏi sau 1-3 tháng mà không cần điều trị. Một số trường hợp mụn nhân, tổn thương viêm,… các bác sĩ sẽ chỉ điều trị chuyên biệt.
Để hạn chế mụn này và chấm dứt nhanh tình trạng mụn trứng cá trẻ sơ sinh, các mẹ cần lưu ý như sau:
- Không tự ý sử dụng các loại thuốc bôi, thuốc uống nếu chưa thăm khám bác sĩ.
- Không lau chùi, cọ xát mạnh, chạm tay vào vùng mụn mà nên lau rửa nhẹ nhàng cho tới khi vùng da hết mụn.
- Thay vì sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có chứa gốc dầu nhằm mục đích dưỡng ẩm da cho bé thì mẹ nên chuyển các sản phẩm chuyên dụng dành cho trẻ sơ sinh bởi làn da của bé mới sinh rất nhạy cảm.
- Không sử dụng nước bọt hay nước muối pha loãng để vệ sinh vùng da bị mụn mà hãy dùng nước sạch hoặc dùng các sản phẩm làm sạch dành riêng cho trẻ sơ sinh.
Tóm lại: Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh là hoàn toàn bình thường, vì thế mà chúng cũng nhanh chóng biến mất sau một khoảng thời gian nhất định nếu mẹ chăm sóc bé theo những lưu ý kể trên. Thường thì sau vài tuần thì mụn trứng cá này sẽ biến mất hoàn toàn.
Trong trường hợp mụn trứng cá vẫn tồn tại trên da bé trong 1 tháng hoặc hơn thì bố mẹ nên cho con đi thăm khám bác sĩ da liễu để được tư vấn hướng hỗ trợ điều trị phù hợp. Hoặc bố mẹ có thể cho con đi thăm khám càng sớm càng tốt nếu cảm thấy lo lắng khi con nhỏ xuất hiện những nốt mụn trứng cá.