Do đó, sàng lọc thính lực sớm sẽ mang lại những lợi ích rất thiết thực cho trẻ và gia đình.
Giảm thính lực (nghe kém) là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chứng giảm thính lực là khi không thể nghe được âm thanh ở độ lớn từ 20 dB (decibel, đơn vị đo độ lớn/ồn của âm thanh) trở lên. Tình trạng này có thể xảy ra ở 1 tai hoặc cả 2 tai với nhiều mức độ khác nhau. Khi cả 2 tai đều không thể nghe được âm thanh có độ lớn từ 35 dB trở lên thì được coi là gây khuyết tật.
Vì sao cần sàng lọc thính lực?
Hơn 5% dân số thế giới với 432 triệu người trưởng thành với 34 triệu trẻ em cần được phục hồi chức năng liên quan đến giảm thính lực (WHO, năm 2021). Tại Việt Nam (số liệu 2012), cứ mỗi 1000 trẻ sinh ra, có 1 đến 2 trẻ gặp phải vấn đề giảm thính lực bẩm sinh.
Nhiều yếu tố trước, trong và sau sinh liên quan đến giảm thính lực bẩm sinh, bao gồm di truyền, nhiễm trùng (giang mai, rubella,…) hoặc sử dụng thuốc gây hại cho tai khi đang mang thai, sinh ngạt, trẻ sinh non và nhẹ cân,… Tuy nhiên trong một nửa số trường hợp, không thể xác định được nguyên nhân gây giảm thính lực bẩm sinh.
Vì sao cần sàng lọc cho trẻ càng sớm càng tốt?
Khả năng nghe đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh. Một trong những phương tiện đầu tiên để trẻ giao tiếp và xây dựng sự gắn bó với người chăm sóc là thông qua âm thanh và giọng nói, khi thị lực của trẻ vẫn chưa phát triển đầy đủ. Ý niệm về ngôn ngữ bắt đầu từ việc trẻ tiếp nhận âm thanh tiếng nói từ những người xung quanh và bắt chước các âm thanh này. Ba năm đầu đời là thời điểm vàng để trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Do đó, việc trẻ không nghe rõ được âm thanh từ trước lúc trẻ biết nói gây rào cản lớn cho việc phát triển ngôn ngữ, với việc trẻ đối diện với khó khăn trong việc tiếp nhận ngôn ngữ và phát âm, dẫn tới hàng loạt vấn đề trong giao tiếp, học tập và công việc tương lai, kể cả khi thính lực được cải thiện sau đó.
Việc nhận diện giảm thính lực ở trẻ vẫn chưa được quan tâm một cách đầy đủ và đúng mức ở nước ta. Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng I, năm 2018, chỉ ra đến 98% trẻ chỉ được chẩn đoán giảm thính lực khi đã trên 1 tuổi, và trong số đó 45% trẻ được chẩn đoán trong độ tuổi từ 3 - 6 tuổi, khi trẻ bắt đầu có các hoạt động giao tiếp chủ động. Tuy nhiên, giai đoạn này đã muộn và việc phục hồi chức năng khó đạt hiệu quả tối ưu.
Các quốc gia phát triển, như Hoa Kỳ, đã phát triển khuyến cáo và hệ thống tầm soát thính lực cho tất cả trẻ sơ sinh. Tính tới năm 2020, 96% trẻ đã được tầm soát thính lực trong tháng đầu sau sinh.
Phương tiện sàng lọc thính lực là gì?
Để sàng lọc thính lực ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các chuyên gia sẽ sử dụng các công cụ kiểm tra khả năng nghe của trẻ mà không đòi hỏi trẻ phải hợp tác.
Hai phương pháp thường được sử dụng là đo âm thanh phát ra từ ốc tai (otoacoustic emissions, OAEs) và điện thính giác thân não (auditory brainstem response, ABR). Khả năng nghe của trẻ sẽ được đánh giá thông qua các đầu dò và thiết bị đo đặt bên ngoài cơ thể, và trẻ chỉ cần nằm yên là có thể thực hiện xét nghiệm. Trong trường hợp trẻ không đạt ở xét nghiệm sàng lọc, không nên quá lo lắng, trẻ sẽ được đánh giá thêm bởi chuyên gia trước khi được chẩn đoán chính thức. Nếu được xác định có giảm thính lực, việc can thiệp cần bắt đầu trước 3 tháng tuổi.
Đối với các lứa tuổi lớn hơn, có thể sử dụng xét nghiệm yêu cầu sự hợp tác như xét nghiệm đơn âm (pure tone test). Thiết bị đo sẽ phát ra âm thanh với mức độ to nhỏ ở âm vực cao thấp khác nhau. Trẻ sẽ được yêu cầu ra hiệu khi nghe được âm thanh được phát ra từ thiết bị đo.
Cần lưu ý là bên cạnh giảm thính lực bẩm sinh, nhiều nguyên nhân gặp phải sau này (nhiễm trùng tai, tiếng ồn, chấn thương, thuốc có hại cho tai,…) có thể gây giảm thính lực. Do đó, khi phát hiện trẻ nghe kém, khó giao tiếp, dù trước đó thính lực bình thường, cũng cần thực hiện các xét nghiệm sàng lọc thính lực.
Tóm lại, các bậc phụ huynh nên cho trẻ sàng lọc thính lực sớm ngay sau sinh (trong vòng 1 tháng đầu), và bất cứ khi nào khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nghe kém, để được can thiệp và điều chỉnh sớm nhất, nhằm đạt hiệu quả điều trị tối ưu và hạn chế tối đa các hậu quả lâu dài đến từ giảm thính lực.