Tại sao trẻ hư và các cách giáo dục trẻ?

26-05-2015 08:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Hiểu và là người đồng hành với con trong sự phát triển là cách tốt nhất cha mẹ có thể làm để giáo dục một đứa trẻ biết vâng lời, đây là chia sẻ của TS Lê Văn Hảo trong buổi hội thảo “Tại sao trẻ hư?”.

 

Nuôi dạy một đứa trẻ nên người là một việc làm không hề đơn giản. Theo khảo sát tại Mỹ, khoảng 70% số các bậc cha mẹ được hỏi cho rằng việc nuôi dạy một đứa trẻ giờ đây khó khăn hơn so với trước kia. Tại sao khi điều kiện sống ngày càng tốt lên, việc chăm sóc và nuôi dạy một đứa trẻ lại khó khăn hơn trước? Đó là do cuộc sống hiện đại làm cho con người và ngay cả một đứa trẻ cũng có nhiều lựa chọn hơn, môi trường xã hội thay đổi hơn so với trước, do đó những đứa trẻ sinh ra cũng được tiếp xúc với các điều kiện xã hội khác hơn, trong khi đó cách các bố mẹ dạy trẻ ngày nay không thay đổi, nên họ thường gặp khó khăn rất nhiều trong việc nuôi dạy trẻ.

Hiểu đặc điểm của trẻ để có cách giáo dục đúng

Bố mẹ thường hay than phiền hoặc tỏ ra bất lực khi không thể khiến trẻ vâng lời, họ đổ tại đó là do “con hư”. Nhưng để tìm ra căn nguyên tại sao đứa trẻ lại không nghe lời, bố mẹ cần hiểu được đặc điểm tâm sinh lý trẻ, nhất là đối với những trẻ dưới 6 tuổi. Như đối với những trẻ từ 0-1 tuổi, chúng thường giao tiếp bằng tiếng khóc, cha mẹ cần biết rằng mỗi khi trẻ cảm thấy khó chịu hoặc đói chúng đều biểu hiện bằng việc khóc. Trong khi đó, trẻ 1-3 tuổi đã có thể nhận biết, chúng có những cơn bốc đồng không kiểm soát được, khóc thường là cách để trẻ tuổi này gây sự chú ý với người lớn. Trong giai đoạn này trẻ đã có thể nhận biết được nguyên nhân và hậu quả những hành động của mình.

Theo PGS.TS Lê Văn Hảo, Viện Tâm lý học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội - người đã có 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy và tư vấn tâm lý, là chuyên gia tư vấn và xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng, giá trị sống của tổ chức Plan Việt Nam, cho rằng, ở giai đoạn từ 1-3 tuổi, cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng đừng dạy trẻ bằng roi vọt, cũng đừng bắt một đứa trẻ dưới 3 tuổi phải ngừng khóc theo mệnh lệnh người lớn. Bởi những trẻ ở độ tuổi này khóc chính là một cách gây sự chú ý, chúng đang muốn một điều gì đó, nếu chúng muốn làm những điều không đúng (nhưng không ảnh hưởng tới sự an toàn của trẻ) hãy cho trẻ trải nghiệm điều đó. Ví dụ như mùa hè mà trẻ đòi mặc áo mùa đông, hãy nói với trẻ rằng mặc như vậy rất nóng, nhưng nếu trẻ vẫn cương quyết hãy cho chúng mặc. Khi bị nóng, chúng sẽ nhận ra mặc quần áo như vậy là “cực hình”.

Đối với trẻ giai đoạn từ 3-6 tuổi, chúng rất nhạy cảm với việc mắc lỗi và rất dễ học tập người khác thông qua việc bắt chước, thường lấy mình làm trung tâm. Giai đoạn này cha mẹ cần là người hướng dẫn trẻ, là tấm gương cho con noi theo. TS Hảo cho biết, có câu ngạn ngữ rằng “Muốn có một đứa trẻ ngoan hãy bắt đầu giáo dục nó từ 20-30 năm trước khi ra đời”. Điều này chứng tỏ việc làm gương của cha mẹ là vô cùng quan trọng. Muốn có đứa trẻ ngoan, biết vâng lời, cha mẹ hãy chứng tỏ với con mình đã làm điều đó trước.

Dạy trẻ theo phương pháp kỷ luật tích cực

Theo TS Lê Văn Hảo, không phải những hình thức kỷ luật nào cũng nên được áp dụng với trẻ, mà chúng ta cần dựa vào các đặc điểm tâm sinh lý và lứa tuổi đã nói ở trên. Giáo dục một đứa trẻ cũng có nhiều cách, trong đó những người làm cha mẹ, hoặc chăm sóc trẻ cần lựa chọn những giải pháp đúng nhất, thích hợp nhất. Ở đây chỉ đề cập tới lứa tuổi dưới 6, cha mẹ có thể cân nhắc sử dụng những biện pháp sau:

-Nhắc nhở trẻ: Khi trẻ mắc lỗi hoặc có những đòi hỏi không đúng, cha mẹ hãy giúp trẻ nhớ lại, suy nghĩ để trẻ tự có những quyết định và hành động đúng. Ví dụ khi trẻ đòi mua đồ chơi, hãy hỏi trẻ: “Con có nhớ chúng ta đã đồng ý rằng đi siêu thị không được mua đồ chơi không?”...

-Hướng dẫn trẻ rõ ràng, cụ thể: Cha mẹ cần đưa cho con những thông tin rõ ràng, cụ thể như “Đã đến lúc con phải dọn đồ chơi”, “Đã đến giờ đi tắm”...

-Cho trẻ các khả năng lựa chọn: Nếu trẻ không chịu đi tắm, hãy hỏi trẻ “Con muốn bố tắm hay mẹ tắm”, hay “Con muốn tắm vòi sen hay chậu”...

-Cho trẻ biết hệ quả của hành vi: Nếu trẻ không nghe lời bố mẹ bảo không được chạy trên sàn nhà ướt sẽ ngã, hãy cứ để cho trẻ trải nghiệm. Nếu bị ngã, lần sau chúng sẽ rút kinh nghiệm và tự thay đổi hành vi của mình và sẽ không chạy trên sàn nhà ướt. Tuy nhiên những trải nghiệm này phải đảm bảo an toàn cho trẻ.

TS Hảo cũng nhấn mạnh, để nuôi dạy một đứa trẻ trưởng thành, có thể vững vàng trong cuộc sống cha mẹ cần là những người hướng dẫn, lắng nghe con em mình. Chúng rất cần những lời khích lệ, động viên, kể cả trong những thất bại hay thành công, trẻ rất cần cha mẹ khích lệ. Tuy nhiên để khen thưởng trẻ bằng những hiện vật, cần cho trẻ thấy chúng cần nỗ lực để đạt được.

Khi cha mẹ muốn trẻ học tập một điều gì đó từ học tập ở trường lớp hay học các kỹ năng trong cuộc sống, hãy tạo cho chúng sự hứng thú và tò mò. Bởi chán nản là con duy nhất làm cho trẻ thất bại trong việc tiếp thu kiến thức. Hãy đừng mang việc học hành ra như một cách trừng phạt trẻ. Đừng nói với trẻ rằng “Nếu không ngoan sẽ cho đi học”, vô tình điều này khiến trẻ con nghĩ rằng học hành là một hình phạt, lâu dần sẽ gây cho trẻ chán nản.

Trong kỷ luật tích cực, cha mẹ cũng cần phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết như chế ngự sự căng thẳng, tức giận, hay biết cách lắng nghe con một cách tích cực. Khi người lớn tức giận, trẻ em sẽ là người lãnh hậu quả, có thể dẫn đến những bạo lực về thể chất cũng như tinh thần.

Hải Yến

 


Ý kiến của bạn