Tại sao tăng axit uric lại gây đau khớp?

19-12-2017 09:45 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Tôi bị đau khớp cổ chân, đi khám xét nghiệm bác sĩ nói tăng axit uric trong máu và cho thuốc uống thải axit uric.

Xin hỏi bác sĩ có phải do tăng axit này mà tôi đau khớp hay bệnh gì?

Đoàn Văn Khang (doankhang@gmail.com)

Đau khớp đi kèm tăng axit uric máu là biểu hiện của bệnh gút (bệnh gout). Cụ thể ở bệnh này là lắng tụ tinh thể monosodium urate ở bao khớp, gân do tình trạng axit uric tăng cao trong máu… gây ra các đợt viêm khớp ngoại biên tức là viêm các khớp chân tay đặc biệt hay xảy ra ở ngón chân cái. Tình trạng viêm này có thể tái đi tái lại nhiều lần gây ra biến dạng khớp nếu không điều trị. Không phải tất cả những người có axit uric cao trong máu là bị cơn gout, tuy nhiên nếu nồng độ axit uric trong máu cao và kéo dài càng lâu thì càng có nguy cơ bị gout. Nguyên nhân tăng axit uric trong máu là do thận không thải được axit uric hoặc do cơ thể tạo ra quá nhiều (do ăn uống, do bệnh lý như ung thư máu dạng limphô, thiếu máu tán huyết, vảy nến...) hoặc do bất thường trong chu trình tạo ra axit này. Bệnh sẽ biểu hiện bằng các cơn đau khớp, khớp có thể bị sưng to đỏ, có thể có nước trong khớp đặc biệt là ngón chân cái (khớp bàn ngón) hay bị nhất, tuy nhiên các khớp khác đều có thể bị. Cơn gout có thể xảy ra vài ngày hoặc vài tuần và có thể tự bớt, nhưng nếu không điều trị những cơn này sẽ xuất hiện thường xuyên hơn và gây ra biến dạng hủy khớp gây tàn phế. Điều cần chú ý là sau đợt dùng thuốc axit này sẽ giảm xuống nhưng người bệnh nên kiêng ăn thực phẩm chứa nhiều purin như phủ tạng động vật (tim, gan, bầu dục, óc...) không uống bia rượu vì làm tăng axit uric.

BS. Vũ Hồng Ngọc


Ý kiến của bạn