Chương trình được tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày mất của đại văn hào Maurice Leblanc (1864 – 6 /11/1941) - người đã viết lên kiệt tác Arsène Lupin – Siêu trộm hào hoa và tạo ra một trong những hình tượng nhân vật phản diện hàng đầu lịch sử văn học thế giới. Maurice Leblanc là một tiểu thuyết gia và nhà văn viết truyện ngắn người Pháp, được biết đến chủ yếu là tác giả của nhân vật hư cấu Arsène Lupin, được so sánh là đối trọng với nhân vật thám tử Sherlock Holmes của tác gia người Anh Conan Doyle.
Đầu năm 1905, một đồng nghiệp của Maurice Leblanc, cho ra mắt một tập san lấy tên là Je sais tout, mong muốn Maurice Leblanc có thể cho ra đời một nhân vật cũng hấp dẫn không kém Sherlock Holmes đương thời. Nhận thấy không thể đi theo hình tượng thám tử chính nghĩa và có phần quá giỏi giang so với thực tế, Maurice Leblanc đã tạo ra một nhân vật có một không hai: Arsène Lupin. Xuất thân là một cậu bé chứng kiến người mẹ của mình bán sức cho giới nhà giàu để nuôi con, Arsène Lupin phát triển một niềm đam mê kỳ lạ với việc chinh phục các món đồ, kho báu quý giá của kẻ giàu thông qua con đường đạo chích.
Trong các cuộc phiêu lưu ấy, Arsène Lupin đã đối mặt với không ít hiểm nguy, chạm trán với nhiều đối thủ cũng tài hoa và độc đáo không kém như thám tử Herlock Sholmes, thám tử Isidore Beautrelet… Mặc dù là một kẻ trộm, nhưng Lupin luôn luôn cho thấy tính cách của một quý ông: văn nhã, lịch thiệp, và luôn chỉ đánh cắp những món đồ thuộc loại cả thế giới phải ngưỡng mộ. Nhưng không chỉ giá trị ở cốt truyện, ngôn ngữ kể chuyện của Maurice Leblanc đạt đến tính nghệ thuật cao của sự hàm xúc, hóm hỉnh, lãng mạn.
Nhà văn Trần Thiện Đạo nhận xét: “Nhưng cần phải nói rằng, ngoài óc tưởng tượng vô song tạo nên nhơn vật Arsène Lupin, Maurice Leblanc còn có một văn phong hấp dẫn lạ thường. Một thứ văn phong lôi kéo, mà giới phê bình chỉ định bằng tính từ lupinien (đặc biệt Lupin, chớ không phải đặc biệt Leblanc), vô vàn sanh động, giàu màu sắc và rất nên thơ, không một vết nhăn nào tròn một thế kỷ qua”. Đây là lần đầu tiên bộ sách Arsène Lupin được thực hiện chuyển ngữ một cách có tổ chức và đồng bộ tại Việt Nam. Chỉ chưa đầy bốn tháng sau khi phát hành năm tập đầu tiên, Arsène Lupin đã được in nối bản đến hai lần, trở thành một bộ sách cần có của mọi độc giả yêu thích văn học trinh thám lẫn văn học kinh điển.
Nhìn từ góc độ đón nhận bộ sách Arsène Lupin, toạ đàm sẽ trao đổi sự thay đổi rất rõ ràng về độc giả trinh thám Việt Nam, từ việc tìm đọc các tác phẩm văn học trinh thám như một thú vui giải trí đến việc trở thành một độc giả trung thành, đầu tư tìm hiểu và nuôi dưỡng sở thích của mình. Những hội nhóm với lực lượng đông đảo độc giả, các sự kiện sách và sự lớn mạnh của dòng văn học trinh thám đang chứng tỏ nhu cầu rất rõ rệt của độc giả hướng đến việc đọc sách theo chất lượng, có hệ thống. Hội thích truyện trinh thám trên Facebook được thành lập năm 2015 và đến nay đã thu hút đến 30 ngàn thành viên, trở thành một trong những CLB đọc sách lớn nhất cả nước. Thường xuyên trao đổi về dòng sách mình yêu thích, các độc giả Việt Nam dần tiếp cận một cách cập nhật hơn văn đàn trinh thám thế giới.
Độc giả văn học trinh thám cũng đã hình thành cho mình một chân dung, một màu sắc và một cá tính riêng biệt. Không còn là những người đọc giải trí, giờ đây họ tạo ra các thú vui như sưu tầm, chụp ảnh, viết bài điểm sách… Và từ vị trí các độc giả, một vài tác giả trinh thám Việt đã bắt đầu sự nghiệp của mình, xây dựng những tác phẩm văn học xoay quanh đề tài tội ác.
Buổi tọa đàm sẽ thảo luận xoay quanh các nội dung: Maurice Leblanc và Arsène Lupin - cú xoay của lịch sử trinh thám thế giới khi các nhân vật phản diện chiếm ngôi trung tâm; Đọc và yêu thích nhân vật phản diện: tâm bệnh, sở thích hay thói quen của độc giả trinh thám – giả tưởng?; Xây dựng nhân vật phản diện đối với nhà văn Việt nam nói chung và văn học trinh thám nói riêng.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của tác giả Đức Anh (tác giả tiểu thuyết Thiên thần mù sương, Đảo Bạo Bệnh và tiểu luận Văn học trinh thám Việt Nam 20 năm đầu thế kỷ XXI), tác giả Kim Tam Long (tác giả Mặt nạ trắng, Ẩn ức trắng và là người khơi dậy làn sóng mới của trinh thám Việt) và Hà Trang, người sáng lập Trạm Radio.