Hà Nội

Tại sao phải tầm soát ung thư và tầm soát thế nào cho đúng cách?

23-10-2018 10:26 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Ung thư ngày nay đang gia tăng trên toàn cầu, nhất là ở những nước đang phát triển, và Việt Nam cũng không thể tránh khỏi.

Ung thư ở giai đoạn trễ điều trị rất khó khăn, khả năng trị khỏi rất thấp, có thể không khỏi, còn ở giai đoạn sớm hoặc rất sớm thì khả năng trị khỏi rất cao. Do đó, song song với phòng ngừa ung thư, chúng ta phải phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm. Đó chính là vai trò của tầm soát ung thư.

Tầm soát ung thư là phát hiện ung thư ở giai đoạn rất sớm, không có bất cứ biểu hiện nào của bệnh.

Ung thư giai đoạn rất sớm hầu hết được chữa khỏi bằng phương pháp đơn giản, ít tốn kém, với rất ít tác dụng phụ, không hoặc ít ảnh hưởng đến chức năng, thẩm mỹ.

Ngoài ra, tầm soát ung thư còn phát hiện được những tổn thương tiền ung thư, là những tổn thương không phải ung thư nhưng có nhiều khả năng chuyển thành ung thư sau này.

Với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và ứng dụng vào trong y học, ngày càng có nhiều phương pháp tầm soát ung thư có giá trị phát hiện bệnh cao (độ nhạy cao).

Đó là những phương pháp nào?

Tại sao phải tầm soát ung thư và tầm soát thế nào cho đúng cách?

Xét nghiệm các dấu hiệu sinh học bướu, có nơi gọi là dấu ấn ung thư, có vai trò trong tầm soát ung thư không?

Theo Viện Sinh hóa Lâm sàng Hoa Kỳ, Hội Dấu hiệu sinh học bướu châu Âu và  nhiều tổ chức ung thư trên thế giới, hiện nay hầu như không có một xét nghiệm máu đơn độc nào có giá trị trong tầm soát ung thư cho mọi đối tượng.

Đó là do:

- Ung thư giai đoạn rất sớm với bướu còn nhỏ hầu hết không tạo ra đủ lượng trong máu để có thể phát hiện được khi làm xét nghiệm. Trong cơ thể chúng ta đã có ung thư nhỏ rồi mà hầu hết dấu hiệu sinh học bướu không tăng. Như vậy chúng ta đã bỏ sót ung thư khi làm xét nghiệm máu, nghĩa là khả năng phát hiện bệnh thấp mà trong y học gọi là độ nhạy thấp, âm tính giả cao.

Hầu như không có một xét nghiệm máu đơn độc nào có giá trị trong tầm soát ung thư cho mọi đối tượng.

- Các dấu hiệu sinh học bướu có thể tăng trong các bệnh lành tính, không phải ung thư, có nghĩa là khi dấu hiệu sinh học bướu tăng nhưng không phải do ung thư mà do các bệnh lành tính gây ra, nghĩa là độ đặc hiệu thấp, dương tính giả cao.

Có người cho rằng, xét nghiệm dấu hiệu sinh học bướu nếu tăng thì sẽ đi làm xét nghiệm khác để xác định. Điều này không đủ và  bỏ sót rất nhiều vì khả năng dấu hiệu sinh học bướu tăng khi ung thư còn nhỏ là rất thấp. Mặt khác, khi dấu hiệu sinh học bướu tăng mà kết luận có ung thư là không chính xác hoặc làm thêm các xét nghiệm khác để truy tìm ung thư sẽ gây tốn kém hoặc gây lo lắng quá mức.

Trong khám sức khỏe tổng quát, thường chúng ta làm các xét nghiệm máu như CA15-3 tầm soát ung thư vú, CA125 tầm soát ung thư buồng trứng, CEA tầm soát ung thư đại tràng - trực tràng, AFP tầm soát ung thư gan… cho mọi đối tượng là không chính xác. Thật sự các xét nghiệm này không có vai trò tầm soát như vậy.

Dấu hiệu sinh học bướu có giá trị gì?

Các dấu hiệu sinh học bướu hầu hết chỉ có giá trị góp phần trong đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị ung thư và theo dõi tái phát bệnh về sau. Chẳng hạn khi bệnh nhân mắc bệnh ung thư, xét nghiệm dấu hiệu sinh học bướu có tăng lên rồi giảm đi sau điều trị, chứng tỏ điều trị có hiệu quả.

Dấu hiệu sinh học bướu tăng lên trong lúc theo dõi sau điều trị cho biết bệnh tái phát hay tiến triển.

Các phương tiện tầm soát ung thư có giá trị hiện nay?

Các phương tiện có giá trị cao trong tầm soát ung thư là những phương tiện có khả năng phát hiện bệnh cao, ít bỏ sót bệnh. Sau đây là một số phương tiện hiện nay được sử dụng nhiều trên thế giới để tầm soát ung thư:

Ung thư vú:

Nhũ ảnh là chụp X-quang tuyến vú, có khả năng phát hiện ung thư vú không sờ thấy có giá trị nhất hiện nay trong tầm soát ung thư vú ở phụ nữ. Phương tiện này thường áp dụng cho phụ nữ trên 40 tuổi. Phụ nữ ở tuổi này mô tuyến (mô tạo sữa khi mang thai và cho con bú) thường ít hơn mô mỡ nên nhũ ảnh dễ phát hiện tổn thương ung thư hơn.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) đề nghị tầm soát ung thư vú cho phụ nữ nguy cơ cao ung thư vú khi mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2, xạ trị thành ngực lúc 20 - 30 tuổi.

Ngoài ra, phát hiện sớm ung thư vú có thể bằng tự khám tuyến vú hằng tháng, đi khám lâm sàng định kỳ mỗi năm.

Siêu âm vú không phải là phương tiện tầm soát, vì khó phát hiện được tổn thương ung thư nhỏ biểu hiện bằng vôi hóa li ti, nhưng có vai trò hỗ trợ sau chụp nhũ ảnh nghi ngờ ung thư vú hoặc nhu mô vú dày.

Ung thư cổ tử cung:

Phết tế bào học cổ tử cung (còn gọi là xét nghiệm PAP) là dùng một que hoặc bàn chải phết vào cổ tử cung để lấy các tế bào và quan sát dưới kính hiển vi, có thể kết hợp với soi cổ tử cung để thấy rõ vùng cần phết. Giúp phát hiện các tổn thương tiền ung thư (dị sản) hoặc ung thư tiền xâm lấn, ung thư tại chỗ (giai đoạn 0).

Kết hợp thêm xét nghiệm ADN virút HPV đánh giá nguy cơ ung thư.

Tại sao phải tầm soát ung thư và tầm soát thế nào cho đúng cách?Nội soi là phương pháp có giá trị nhất trong tầm soát ung thư dạ dày

Ung thư phổi:

Chụp CT xoắn ốc liều thấp, đây là một loại CT có độ phân giải cao và tốc độ nhanh giúp phát hiện tổn thương nhỏ và ít độc tính bởi liều xạ thấp.

X-quang ngực có thể thay thế cho CT nhưng giá trị thấp hơn.

Ung thư gan:

Xét nghiệm AFP kết hợp với siêu âm cho nhóm nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan B hoặc C, nghiện rượu.

Ung thư trực - đại tràng:

Thử máu ẩn trong phân và nội soi:

Bướu thường gây xuất huyết ngay cả khi còn nhỏ, do đó nếu xét nghiệm máu trong phân mà dương tính thì sau đó tiến hành nội soi để tìm tổn thương. Ngoài ra, có thể trực tiếp nội soi để phát hiện trực tiếp tổn thương ngay từ đầu. Nội soi không những giúp phát hiện ung thư sớm mà còn phát hiện được tổn thương tiền ung thư, thường dạng políp và qua đó cắt luôn políp này.

Ung thư dạ dày:

Cũng giống đại trực tràng, dạ dày là cơ quan hình ống, rỗng nên nội soi là phương pháp có giá trị nhất trong tầm soát. Nội soi giúp nhìn thấy trực tiếp tổn thương trong lòng dạ dày, nơi đây ung thư thường xuất hiện.

Ung thư da và hốc miệng:

Không cơ quan hay cấu trúc nào thuận lợi như da và hốc miệng. Da là cấu trúc bao bọc bên ngoài cơ thể, hốc miệng là cơ quan cửa ngỏ cơ thể, có thể nhìn thấy trực tiếp bằng mắt thường.

Thăm khám lâm sàng hốc miệng giúp phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư như bạch sản, hồng sản hay một tổn thương nhỏ lâu lành trong hốc miệng.

Quan sát da có thể thấy được vết loét hay sùi, u cục nhỏ hay sự thay đổi tính chất một nốt ruồi.

Ung thư tuyến giáp:

Tuyến giáp là cơ quan nằm ngay trước cổ. Siêu âm là một phương tiện không có hại, chi phí thấp có thể phát hiện ung thư rất nhỏ, có thể phát hiện khi ung thư chỉ vài milimét. Một cách khác là khám cổ định kỳ có thể sờ thấy nhân giáp nhỏ.

Ung thư tuyến tiền liệt:

Kết hợp thăm khám trực tràng bằng ngón tay hoặc siêu âm qua ngả trực tràng và xét nghiệm PSA máu.

Siêu âm qua ngả bụng khó phát hiện bướu nhỏ tuyến tiền liệt.

(Còn tiếp)


BS.CKII. NGUYỄN HỮU HÒA
Ý kiến của bạn