Ngày nay, những danh họa như Monet, Degas, Renoir… là những tên tuổi lớn của lịch sử hội họa, họ đã đi tiên phong, sáng tạo ra trường phái Ấn tượng. Thật khó hình dung rằng đã từng có thời, họ phải đối diện với thái độ thù ghét của giới nghệ thuật, và tranh của họ “không đáng giá một xu”, “không bán nổi một bức”.
Từ những bức tranh bị ruồng bỏ, tác phẩm của họ đã đạt những mức giá “trên trời”. Tất cả là nhờ một người đàn ông - một “Mạnh Thường Quân” - đã xuất hiện và thay đổi tất cả, đã biến những bức tranh “bỏ đi” trở thành những “quả trứng vàng”.
Bức “Tiệc trưa trên du thuyền” (Pierre-Auguste Renoir, 1880-1881)
Bức “Ao súng và cây cầu Nhật Bản” (Claude Monet, 1897-1899)
Những tác phẩm hội họa theo trường phái Ấn tượng luôn đạt được mức giá “trên trời” khi xuất hiện tại các cuộc đấu giá. Những triển lãm tranh Ấn tượng luôn được tổ chức quy mô, hoành tráng nhất tại các viện bảo tàng. Nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, trường phái Ấn tượng đã từng bị “ném đá” thuở mới ra mắt công chúng.
Triển lãm tranh Ấn tượng đầu tiên được mở ra vào ngày 15/4/1874 ở thành phố Paris, khi đó, một nhóm các họa sĩ Pháp theo trường phái này đã cùng nhau họp lại mở cuộc trưng bày.
Bức “Lớp học múa” (Edgar Degas, 1873-1876)
Không có gì ngạc nhiên khi họ đã phải đón nhận nhiều lời chỉ trích thậm tệ. Trong mắt những nhà phê bình hội họa và công chúng thời bấy giờ, những bức tranh theo trường phái Ấn tượng giống như những tác phẩm vẽ dở, “chẳng có gì đáng chiêm ngưỡng”. Những bài báo chê bai, châm biếm xuất hiện trên khắp các mặt báo.
Thời đó, một nhà kinh doanh nghệ thuật người Pháp - ông Paul Durand-Ruel (1831-1922) đã không đồng tình với dư luận chung, ngược lại, ông quyết định sẽ bằng mọi cách nâng tầm vóc của trường phái này. Trong cuộc đời mình, ước tính có khoảng 12.000 bức tranh Ấn tượng đã qua tay Durand-Ruel.
Chân dung Paul Durand-Ruel (Pierre-Auguste Renoir, 1910)
Durand-Ruel không sáng tạo ra trường phái Ấn tượng, nhưng chính ông là người đã có công đưa nó trở thành trường phái thành công bậc nhất trong thế giới hội họa.
Nói cách khác, Paul Durand-Ruel chính là người đã gây dựng tên tuổi, tạo dựng tầm vóc, quảng bá và xây dựng thị trường cho tranh Ấn tượng. Nếu không có sự xuất hiện của Paul Durand-Ruel, trường phái Ấn tượng có thể đã không bao giờ thành công như hôm nay.
Sự quan tâm mà Durand-Ruel dành cho trường phái Ấn tượng bắt đầu từ năm 1870, khi ông được giới thiệu với những họa sĩ đi tiên phong trong trường phái này, đó là Claude Monet và Camille Pissarro, ngay lập tức, Durand-Ruel cảm thấy hứng thú với những tác phẩm của họ và mua liền vài bức tranh.
Về sau, họa sĩ Pissarro đã viết về buổi gặp gỡ đầu tiên này rằng: “Nếu không có ông ấy, đợt đó, hẳn chúng tôi đã chết đói cả rồi”.
Năm 1872, Durand-Ruel lại tình cờ nhìn thấy hai bức tranh của Édouard Manet tại một studio và ngay lập tức mua hai bức này. Ông lại đích thân tìm tới studio của Manet để mua thêm 21 bức khác. Chỉ trong vài ngày, ông chi ra tới 35.000 frăng cho những bức tranh của Manet - một hành động rất liều lĩnh.
Bức “Cá hồi” (Édouard Manet, 1868) là một trong những bức tranh đầu tiên lọt vào “mắt xanh” của Durand-Ruel.
Thực tế, việc chi tiền bạo tay cho các họa sĩ theo trường phái Ấn tượng ở thời điểm họ còn chưa có danh tiếng gì, đã suýt khiến Durand-Ruel phá sản.
Sau đó, chính Durand-Ruel đã tự tạo ra thị trường cho tranh Ấn tượng. Cuộc triển lãm thứ hai không còn mang tính tự phát nữa, mà được chính Durand-Ruel đứng ra tổ chức vào năm 1876 tại phòng triển lãm của ông một cách rất chuyên nghiệp.
Sau đó, Durand-Ruel còn tổ chức những cuộc triển lãm riêng cho từng họa sĩ để thu hút sự chú ý của các nhà phê bình và công chúng.
Durand-Ruel lại biến nhà riêng của mình trở thành một phòng tranh không chính thức, trưng bày nhiều tác phẩm Ấn tượng, rồi thường xuyên mời bạn bè đến nhà chơi.
Một bức ảnh chụp Durand-Ruel bên những bức tranh Ấn tượng.
Từ đây, Durand-Ruel bắt đầu tiếp cận giới thượng lưu Mỹ và thuyết phục họ mua tranh, bởi theo ông, “người Mỹ không nói nhiều, không chỉ trích, họ chỉ mở ví và mua tranh”.
Vậy là, một trường phái mới đây còn bị chỉ trích không tiếc lời, giờ đã bắt đầu trở thành một trường phái nhận được nhiều sự quan tâm.
Dấu ấn lớn nhất mà Durand-Ruel để lại trong trường phái Ấn tượng phải kể tới cuộc triển lãm năm 1905, diễn ra ở London, Anh, trưng bày 315 tác phẩm Ấn tượng của Manet, Monet, Renoir…
Cho đến nay, đây vẫn được coi là triển lãm tranh Ấn tượng lớn nhất lịch sử. Dù triển lãm không đem lại thành công về mặt doanh thu khi chỉ bán được 13 tác phẩm nhưng nó đã vĩnh viễn nâng tầm trường phái Ấn tượng.
Bức “Khiêu vũ ở Le Moulin de la Galette” (Pierre-Auguste Renoir, 1876)
Bức “Bữa trưa trên bãi cỏ” (Édouard Manet - 1863)
Bức “Người phụ nữ trong chậu tắm” (Edgar Degas - 1886)
Cho đến lúc này, Durand-Ruel đã ở tuổi 74, ông quyết định triển lãm này chính là lời tuyên ngôn cuối cùng của mình đối với lịch sử trường phái Ấn tượng.
Ngày nay, tranh Ấn tượng được trưng bày ở những vị trí quan trọng nhất trong các triển lãm, viện bảo tàng, đạt được những mức giá “trên trời” tại các cuộc đấu giá, chính là nhờ một người đỡ đầu nhiệt tâm và có cách nhìn khác hẳn số đông - ông là Paul Durand-Ruel.