Tại sao nhiều người lại quá khó khăn để quên đi tình yêu cũ?

20-08-2016 08:26 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Có những người thậm chí sau nhiều năm vẫn chìm sâu trong nỗi đau quá khứ, đến nỗi dù chỉ thoáng qua trong các cuộc trò chuyện hay một tấm hình trên Facebook về người yêu cũ, trong họ lại nổi lên cảm xúc đau buồn, giận dữ hay oán hận sâu thẳm.

Vậy tại sao có nhiều người có thể hồi phục trở lại và tiếp tục sống như chưa hề bị tổn thương sau khi tình yêu tan vỡ, trong khi những người khác lại không?

Trong những nghiên cứu mới đây, nhà khoa học người Mỹ Carol Dweck và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng việc bị cự tuyệt thật ra làm một số người tự định hình lại bản thân họ, và cả hình mẫu người yêu lý tưởng trong tương lai. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học yêu cầu các tình nguyện viên viết về những bài học họ rút ra từ những lần bị từ chối trong chuyện tình cảm.

Khi phân tích câu trả lời của họ, các nhà khoa học nhận thấy rằng một số người được khảo sát nghĩ rằng việc bị từ chối đã hé lộ một điều gì đó không tốt rất cơ bản về bản thân mình và nó cũng sẽ phá hỏng các mối quan hệ trong tương lai. Một vài người nói họ nhận ra rằng họ quá “kiểm soát”. Những người khác nghĩ là họ đã “quá nhạy cảm” hoặc là "giao tiếp kém". \

Vì liên hệ việc bị từ chối với một khía cạnh nào đó trong tính cách đặc trưng của mình, nên những người bị thất tình nhận thấy cho qua những chuyện cũ còn khó hơn. Một vài người nói họ đã "tự dựng nên những bức tường" và thận trọng hơn trong những mối quan hệ mới. Một số khác sợ phải chia sẻ việc đã từng bị từ chối cho người yêu mới biết, sợ rằng người này sẽ thay đổi cách nhìn nhận về mình, nghĩ rằng mình "vô dụng".

Trong khi đó, có những người nói rằng việc bị từ chối đối với họ chỉ đơn giản là một phần của cuộc sống, một phần rất quan trọng trong quá trình trưởng thành và thật sự giúp họ trở thành người tốt hơn.

Hóa ra, quan niệm của bạn về tính cách có thể đóng một vai trò quan trọng trong cách phản ứng của bạn khi bị từ chối trong chuyện tình cảm. Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã chia tình nguyện viên ra làm hai nhóm: những người nghĩ rằng tính cách là không thể thay đổi và những người tin tính cách dễ thay đổi.

Những người tham gia đọc một trong hai câu chuyện. Trong câu chuyện thứ nhất, các nhà khoa học yêu cầu tình nguyện viên tưởng tượng mình bị bỏ rơi trong đau khổ bởi một người đã yêu nhau trong thời gian dài. Trong câu chuyện còn lại, các nhà khoa học yêu cầu tình nguyện viên tưởng tượng gặp một người nào đó trong một bữa tiệc, cảm thấy bị rung động và sau đó tình cờ nghe được người kia nói với một người bạn rằng họ sẽ không bao giờ có một mối quan hệ tình cảm với anh ấy hay cô ấy.

Kết quả, đối với những người có quan điểm cứng nhắc về tính cách, ngay cả sự từ chối từ một người lạ cũng có thể khiến họ tự hỏi việc bị từ chối này cho thấy điều gì trong bản chất con người họ. Những người này lo lắng rằng phải có điều gì đó khó ưa quá rõ ràng mới khiến cho một người từ chối ngay lập tức mà không thèm tìm hiểu về họ. Do vậy, chuyện bị từ chối đối với những người này khó có thể thoát khỏi bóng ma ám ảnh của tình cảm lãng mạn trong quá khứ, để sẵn sàng cho những mối quan hệ mới trong tương lai.


Hà Anh
Ý kiến của bạn