Tại sao người giàu phải nghĩ cho người nghèo?

25-03-2016 09:02 | Xã hội
google news

SKĐS - Chúng ta bàng hoàng trước sự ra đi sớm của một thủ lĩnh nhạc Rock - thứ âm nhạc mạnh mẽ, mãnh liệt nhất. Lúc này, như thường lệ một làn sóng đổ tội cho nhau được bắt đầu.

Trước tiên, thực phẩm bẩn được đưa ra xét xử. Có rất nhiều cách để đưa thực phẩm bẩn vào ruột của mọi người, ví dụ như: ngâm tẩm, dùng hoá chất, dùng tăng trọng, dùng kháng sinh, dùng salbutamol, vân vân và vân vân.

Vậy là mọi người nhao nhao đi tiêu diệt, lên án, chiến dịch xanh, kêu gọi, ủng hộ... Chúng ta phải tuyên chiến với "chúng nó"

Chúng ta hoảng hốt khi ngay tại trung tâm thủ đô Hà Nội, một người đàn ông mang đèn khò ra để cưa "một vật thể được cấu tạo bởi các vật liệu chế tạo bom", để rồi có những mạng người chết đi một cách oan uổng. Chúng ta thở phào nhẹ nhõm vì người chết không phải là mình. Nhưng thực ra, chỉ là chưa phải mà thôi.

Một cái xà lan có thể dễ dàng làm sập cầu tầu và gây tê liệt đường sắt Bắc - Nam, nhân dân ta mất đi gần 300 tỷ đồng tiền cầu và còn nhiều thiệt hại kinh tế khác nữa. Đơn giản như đang tập đi xe đạp vậy. Chúng ta lắc đầu ngán ngẩm "không biết kẻ lái xà lan kia suy nghĩ gì?", nhưng có lẽ chính chúng ta phải tự ngẫm nghĩ về mong muốn của bản thân mình.

Vậy đâu là lý do khiến "chúng nó" làm như thế?

An sinh xã hội, nói cách khác là đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu cho người dân rất quan trọng để có được một xã hội ổn định. Chính vì nhận thức được điều này, một số quốc gia phát triển có chính sách hỗ trợ người thất nghiệp. Nếu những nhu cầu cơ bản để sinh tồn không được đáp ứng, ắt sẽ sinh ra thủ đoạn.

Nhưng nghèo không có nghĩa là trộm cắp. Nếu như hệ thống giáo dục của chúng ta tốt thì một người nghèo vẫn có thể là một người tử tế. Chỉ có điều, trăm người mới có một người thoát nghèo bằng con đường đàng hoàng, số còn lại hoặc phải dùng thủ đoạn, hoặc ngây ngô "cưa bom" mong sống qua ngày.

Ở một xã hội lý tưởng, tức là không có những cái chết thương tâm do thực phẩm bẩn, do bom nổ, hay không có những kiểu vô ý làm thiệt hại 300 tỷ đồng, thì có hai khả năng xảy ra: hoặc họ không bao giờ rơi vào tình trạng không đủ ăn, hoặc họ được giáo dục đầy đủ về đạo đức xã hội và những tính cách cơ bản: trách nhiệm, trung thực, và giá trị của tính mạng con người.

Một xã hội ngày càng chênh lệch về giàu - nghèo, là lúc người giàu cần phải nghĩ cho người nghèo, tức là đảm bảo đời sống tối thiểu cho họ, nếu không, sẽ có một ngày người giàu bị mất mạng vì sự thiếu hiểu biết của một người nào đó, vì mưu sinh mà bất chấp tất cả.

Một xã hội dù có đủ ăn, nhưng giáo dục cơ bản ngày càng trở nên quá cao siêu: nhà nhà, người người mong con thành thần đồng, thì rồi cũng sẽ đến ngày cả đất nước tràn ngập những người thủ đoạn, độc ác, tàn nhẫn, lừa đảo, và vô trách nhiệm. Một xã hội mà cả gia đình bận lo toan kiếm tiền rồi đổ hết trách nhiệm giáo dục con cái cho nhà trường mà quên mất rằng giáo dục trong gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách.


Ts.Bs. Lê Tuấn Thành
Ý kiến của bạn