Theo luật sư Trương Thanh Đức, chủ tịch công ty luật Basico, vợ chồng chị Hồng phải được hưởng toàn bộ số tiền đó nếu sau 1 năm thông báo mà không có chủ sở hữu đến nhận.
Liên quan đến việc chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (35 tuổi, quê Quảng Ngãi) làm nghề mua ve chai. Chiều ngày 21/3, khi tháo dỡ chiếc thùng loa kiêm đài cát sét mua được trước Tết, vợ chồng chị đã phát hiện 5 triệu yen Nhật (khoảng 1 tỷ đồng).
Sau khi chị Hồng nộp số tiền trên cho Công an quận Tân Bình, một cán bộ công an cho biết “Nếu không xác minh được chủ sở hữu, số tiền này sẽ xử theo luật định, trong đó chị Hồng ít nhiều cũng sẽ được hưởng”.
Tuy nhiên, câu trả lời này đặt ra nhiều nghi vấn. Chị Hồng không phải nhặt hay đào được cái thùng loa đó. Theo lời kể của chị Hồng, khoảng tháng 11/2013, khi đẩy xe ve chai trên đường Trần Văn Quang, gần nhà trọ, chị mua chiếc thùng loa này với giá 100.000 đồng, của một người đàn ông đi đường.
Như vậy, chị đã bỏ tiền ra mua nó, nên không thể đánh đồng tài sản đó với các tài sản đánh rơi, chôn cất hoặc của tội phạm.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, chủ tịch công ty luật Basico, vợ chồng chị Hồng phải được hưởng toàn bộ số tiền đó nếu sau 1 năm thông báo mà không có chủ sở hữu đến nhận.
Căn cứ quy định tại Điều 239 Bộ luật Dân sự 2005 về “xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu”, với trường hợp tài sản là động sản (tiền) thì người nhặt được phải giao nộp cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan công an gần nhất. Việc giao nộp phải được lập thành biên bản. UBND hoặc công an quản lý tài sản đó phải thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại. Nếu sau một năm kể từ ngày thông báo mà không ai nhận thì tài sản đó sẽ thuộc người phát hiện.
Vợ chồng chị Hồng đã chủ động thông báo, giao nộp cho công an phường để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Việc giao nộp đã được Công an phường lập biên bản đúng theo quy định của pháp luật. Do đó, căn cứ quy định tại Điều 239 Bộ luật dân sự thì sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện.
Luật sư Đức cũng nhấn mạnh, việc xác định được chủ sở hữu của số tiền này là rất khó. Người bán cho chị thùng loa cũ này không phải là chủ của số tiền 5 triệu yên. "Trường hợp số tiền được để trong thùng loa từ cách đây rất lâu nên càng khó để xác minh được chủ sở hữu của số tiền này", ông Đức cho biết.
Như vậy, nếu sau một năm kể từ ngày thông báo báo không xác định ai là chủ sở hữu thì phải trả lại đầy đủ tài sản cho chị Hồng.
Tuy nhiên, một bạn đọc ký tên LS Nguyễn Đức Chánh lại cho rằng với trường hợp này thì căn cứ pháp lý ở đây là Điều 241 Bộ luật Dân sự.
Đây là vật do người khác bỏ quên, chứ không phải là vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu theo Điều 239 Bộ luật Dân sự.
Theo khoản 2 Điều 241 BLDS, sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, "Nếu vật có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước".