Theo nhiều nguồn tin, chính quyền Nga đã đề ra mục tiêu đẩy lùi quân đội Ukraine khỏi Kursk vào giữa tháng 10. Bên cạnh đó, Nga cũng có kế hoạch thiết lập một "vùng đệm" xung quanh biên giới với Ukraine, nhằm tăng cường phòng thủ và ổn định khu vực biên giới trước cuối tháng 10.
Một chiếc Leopard 2 của Ukraine bị thiêu rụi thành đống đổ nát ở khu vực Kursk. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga)
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cũng nhận định rằng, mục tiêu này của Nga là một thử thách lớn, nhất là khi thời gian quá gấp gáp để thực hiện. Tuy nhiên, những thông tin từ phía Ukraine cho biết. Nga đã tập hợp gần 40.000 binh sĩ tại Kursk, chuẩn bị cho chiến dịch quy mô lớn nhằm quét sạch quân đội Ukraine ra khỏi lãnh thổ Nga.
Moscow dường như đang tập trung thiết lập ưu thế quân số lên tới năm chọi một trước khi tiến hành phản công. Theo lý thuyết quân sự, bên tấn công cần ít nhất ưu thế ba chọi một để có cơ hội thắng lợi. Dù vậy, việc điều thêm quân từ các mặt trận khác ở Ukraine có thể là điều Nga phải cân nhắc và đây cũng là điều mà phía Ukraine muốn đạt được thông qua cuộc tấn công vào Kursk.
Thời gian qua, Nga đã tiến hành một số cuộc phản công tại các khu vực do Ukraine chiếm giữ, nhưng kết quả chưa đạt được kỳ vọng. Phía Nga đã tái chiếm một số khu định cư nhỏ, nhưng Ukraine đã nhanh chóng phản công và bẫy một số đơn vị của Nga.
Dù vậy, một chiến dịch quy mô lớn của Nga để tái chiếm toàn bộ Kursk vẫn chưa bắt đầu. Các yếu tố như tỷ lệ thương vong cao và khó khăn trong việc tuyển quân là những rào cản lớn đối với Nga. Điều này càng trở nên phức tạp hơn khi Nga cũng phải duy trì các hoạt động quân sự ở Donbass, xung quanh Pokrovsk và Vuhledar, khiến khả năng tập trung lực lượng vào Kursk trở nên hạn chế.
Một giải pháp cho vấn đề này có thể là mở rộng hoạt động tuyển quân, nhưng điều này cũng gặp không ít khó khăn. Theo ISW, Tổng thống Vladimir Putin đã từ chối đề xuất của Bộ Quốc phòng Nga về việc phát động một đợt động viên mới. Tổng thống Putin dường như muốn tránh những hệ quả chính trị khi triệu tập lực lượng dự bị bắt buộc, nhằm duy trì sự ủng hộ của người dân Nga.
Mặc dù Nga áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự, Tổng thống Putin rất cẩn trọng trong việc kêu gọi thanh niên tham gia chiến dịch, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến nguyện vọng và lợi ích của người dân. Chính sự khéo léo này đã giúp ông duy trì mạnh mẽ sự ủng hộ của người dân Nga và đảm bảo sự đoàn kết trong nước.