Dưới góc nhìn của bác sĩ dinh dưỡng, mỡ lợn không hoàn toàn "xấu" như nhiều người vẫn nghĩ.

Mỡ lợn giúp hấp thu một số vitamin tan trong dầu như vitamin A , D , E, K.
Trái lại, nếu biết sử dụng đúng cách và liều lượng, mỡ lợn có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe. Vậy tại sao vừa nên ăn mỡ lợn vừa cần hạn chế sử dụng? Câu trả lời nằm ở cách chúng ta hiểu và dùng nó hàng ngày.
Ăn mỡ lợn có tác dụng gì?
Mỡ lợn được coi như một nguồn cung cấp chất béo cho cơ thể. Vai trò của chất béo đối với cơ thể là:
- Giúp cung cấp năng lượng, hỗ trợ hoạt động của các cơ quan
- Tham gia quá trình trao đổi chất trong cơ thể
- Chất béo được coi như một nguồn dự trữ năng lượng
- Chất béo là loại chất cần thiết để xây dựng và duy trì màng tế bào, duy trì nhiệt độ cơ thể
- Thúc đẩy chức năng miễn dịch
- Giúp hấp thu một số vitamin tan trong dầu như vitamin A , D , E, K.
Nhiều người thắc mắc ăn mỡ lợn tốt như vậy thì có nên ăn mỡ lợn thường xuyên không? Hàng ngày, bạn có thể cân nhắc thỉnh thoảng sử dụng mỡ lợn trong chế biến để tăng đậm độ năng lượng, tăng hương vị. Tuy nhiên không nên sử dụng thường xuyên mỡ lợn.

Trong nấu ăn hàng ngày không nên sử dụng mỡ lợn chiên đi chiên lại nhiều lần.
Cách dùng mỡ lợn tốt cho sức khỏe
Đối với mỡ lợn, người dùng nên chú ý trong việc lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong quá trình chế biến mỡ lợn, nên sử dụng một lượng mỡ vừa phải. Lưu ý không sử dụng mỡ lợn chiên đi chiên lại nhiều lần. Việc bảo quản mỡ lợn đúng cách cũng rất quan trọng để giữ được hương vị, tránh ôi thiu và hạn chế sinh độc tố. Cách bảo quản mỡ lợn rán như sau: Các dụng cụ chứa đựng nên là bình thủy tinh hoặc hộp kín. Không nên sử dụng hộp nhựa và không dùng đũa hoặc thìa ướt khi lấy mỡ để hạn chế nhiễm khuẩn từ dụng cụ ướt.
Ăn mỡ lợn tốt hơn hay ăn dầu tốt hơn?
Mỡ lợn hay dầu ăn tốt hơn? Đây là thắc mắc của rất nhiều người nội trợ. Mỡ lợn và dầu ăn là 2 loại thực phẩm thường thấy trong cuộc sống hàng ngày của con người. Về mặt giá trị dinh dưỡng của mỡ lợn và dầu ăn, một gram dầu và mỡ đều cung cấp 9 calo như nhau.

Bạn nên cân bằng giữa việc sử dụng dầu ăn và mỡ lợn trong chế biến món ăn hàng ngày.
Lựa chọn các loại dầu ăn khác nhau hay mỡ lợn phụ thuộc vào thành phần các loại axit béo có trong đó và các chất dinh dưỡng khác đi kèm. Mỡ lợn chứa khá nhiều axit béo bão hòa, nếu chỉ sử dụng mỡ mà hoàn toàn bỏ qua các loại dầu thực vật sẽ gây ra sự mất cân bằng dinh dưỡng về thành phần các loại chất béo.
Một chế độ ăn hàng ngày sử dụng quá nhiều mỡ lợn có thể gây thừa năng lượng, thừa cân và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, rối loạn mỡ máu. Do đó, không nên thay thế hoàn toàn dầu ăn thực vật bằng mỡ mà nên sử dụng hài hòa kết hợp cả hai loại trong chế biến món ăn hàng ngày.