Tại sao Macedonia đổi tên nước?

15-06-2018 07:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Vừa qua, quốc gia thuộc Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia chính thức đổi tên mới thành “nước Cộng hòa Bắc Macedonia”, chấm dứt tranh cãi kéo dài suốt 27 năm với Hy Lạp.

Mâu thuẫn kéo dài 1/4 thế kỷ

Kể từ khi quốc gia thuộc Cộng hòa Nam Tư cũ giành được độc lập và lấy tên nước là Cộng hòa Macedonia, từ đó gây nên mối quan hệ tranh cãi gay gắt với nước láng giềng Hy Lạp. Theo lý lẽ của Hy Lạp, cái tên “Cộng hòa Macedonia” ngụ ý tuyên bố cho toàn bộ khu vực địa lý của Macedonia, trong đó hơn một nửa là một phần lãnh thổ Hy Lạp, bao gồm một tỉnh phía Bắc của Hy Lạp cũng có tên là Macedonia - nơi được coi là cái nôi của Macedonia cổ đại và nơi trị vì của Alexander Đại Đế. Nhiều người Hy Lạp mang tư tưởng rằng những người theo chủ nghĩa dân tộc Macedonia gốc Slav đã chiếm đoạt di sản Macedonia cổ đại này.

Quan điểm của hai nước về tên gọi Cộng hòa Macedonia đặc biệt trở nên gay gắt khi Đảng Dân chủ của nước “Cộng hòa Macedonia” phát động chiến dịch “cổ đại hóa” khi lên nắm quyền tại Skopje vào năm 2006. Dưới thời Thủ tướng Nikola Gruesvski, thủ phủ của Thủ đô “Cộng hòa Macedonia” được trang hoàng giống như một công viên giải trí theo phong cách tân cổ điển với đài phun nước có bức tượng khổng lồ Alexander Đại Đế đài được đặt ở giữa quảng trường trung tâm. Điều đó càng khiến Hy Lạp bực mình. Do đó, Chính phủ Hy Lạp không những phản đối việc Macedonia gia nhập NATO, mà còn bổ sung tên và ngôn ngữ của “Cộng hòa Macedonia” vào danh sách “những vấn đề” của Hy Lạp.

Nhưng người Slav Macedonia cũng có những than phiền chính đáng của họ. Họ có quyền tự quyết định và lựa chọn những gì để gọi tên họ, cho ngôn ngữ và đất nước của họ. Không giống như Bulgaria, Hy Lạp không phản đối Macedonia khi nước này còn thuộc Cộng hòa Nam Tư, cũng không thực sự phản đối ngôn ngữ Slav Macedonia sau Thế Chiến II cũng như sự công nhận quốc gia này trong hệ thống liên bang. Chỉ sau khi “Cộng hòa Macedonia” trở thành một quốc gia độc lập, Chính phủ Hy Lạp mới coi đây là một mối đe dọa quốc gia hàng đầu.

Tại sao Macedonia đổi tên nước?Cộng hòa Macedonia sẽ đổi tên chính thức thành Cộng hòa Bắc Macedonia.

Thực tế, để nói rằng “Cộng hòa Macedonia” là một thách thức thực sự cho Hy Lạp - một thành viên của NATO và Liên minh châu Âu, một quốc gia có nền tảng quân sự mạnh mẽ và nền kinh tế lớn hơn nhiều - là nói quá. Trên thực tế, trong những năm qua, Hy Lạp đã trở thành đối tác thương mại quan trọng và là nhà đầu tư hàng đầu ở khu vực biên giới phía Bắc. Và gần đây, Athens còn quan tâm tới việc người hàng xóm của mình tham gia EU như một bước cần thiết cho sự ổn định và thịnh vượng.

Bước đột phá

Vào ngày 12/6 vừa qua, Thủ tướng “Cộng hòa Macedonia” tuyên bố rằng ông và người đồng cấp Hy Lạp Alexis Tsipras đã ký một thỏa thuận thống nhất rằng “Cộng hòa Macedonia” sẽ đổi tên chính thức thành “Bắc Macedonia” như một sự thỏa hiệp, nhượng bộ với Hy Lạp.

Trong khi đó, Skopje được coi là giành chiến thắng trong việc đặt tên quốc tịch “công dân nước Cộng hòa Bắc Macedonia” và ngôn ngữ Macedonia. Tên Skopje mà Hy Lạp dùng trước đó sẽ được sử dụng chính thức trong truyền thông chính thống là “Macedonia”. Thỏa thuận này được đưa ra dựa trên kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý tại Macedonia và một cuộc bỏ phiếu ủng hộ của Quốc hội Hy Lạp.

Ông Zaev và ông Tsipras sẽ công bố thỏa thuận của họ tại cuộc họp tiếp theo của Hội đồng Liên minh châu Âu vào ngày 28 - 29/6. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng trình tự, Skopjie có thể được “bật đèn xanh” trong quá trình tham gia các cuộc đàm phán gia nhập EU.

NATO có khả năng sẽ mời nước “Bắc Macedonia” làm thành viên tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo tại Brussels, Bỉ vào ngày 11-12/7 tới - một thập kỷ sau khi đề xuất thành viên dành cho Macedonia bị chặn tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Bucharest. Sau hội nghị NATO, Athens sẽ phê chuẩn giao thức gia nhập cho Bắc Macedonia vào mùa thu, cùng với thỏa thuận về đổi tên nước trên.

Trong thông cáo, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định: “Thỏa thuận lịch sử này là kết quả của nhiều năm kiên nhẫn trong chính sách ngoại giao và những nỗ lực của hai nhà lãnh đạo nhằm giải quyết các bất đồng đã kéo dài nhiều năm. Điều này sẽ giúp củng cố nền hòa bình và ổn định trong khu vực Tây Balkan”.


Hà Anh
Ý kiến của bạn