Tại sao lại dùng thuốc nhỏ mắt để chữa viêm tai?

03-08-2020 11:13 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Con gái tôi bị viêm ống tai ngoài bác sĩ cho thuốc về uống và nhỏ tai. Khi lấy thuốc ra nhỏ tai cho con tôi lại thấy trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc chỉ có thông tin về mắt (thuốc tobramycin). Xin bác sĩ giải thích cho tôi, tại sao con tôi bị viêm tai mà bác sĩ lại cho dùng thuốc nhỏ mắt để nhỏ vào tai? Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Vũ Liên Hương (Phú Quốc, Kiên Giang)

Thuốc tobramycin là kháng sinh thuộc nhóm aminoglycoside, hoạt động bằng cách ngăn chặn quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn, từ đó tiêu diệt chúng. Thuốc được chỉ định trong trường hợp bị nhiễm trùng do vi khuẩn.

Viêm ống tai ngoài thường do chủng vi khuẩn Staphylococcus, ngoài ra còn có thể do Pseudomonas aeruginosa gây viêm ống tai ngoài diễn tiến rộng phá hủy các cấu trúc mô mềm xung quanh, lan đến nền sọ, những chủng vi khuẩn này theo nghiên cứu của nhiều tác giả khá nhạy cảm với kháng sinh nhóm aminoglycoside, trong đó có tobramycin. Tuy nhiên dạng nhỏ tai có thành phần như vậy hiện tại chưa được sản xuất trong khi đó tobramycin có trong thành phần thuốc nhỏ mắt cũng có thể ngấm qua lớp biểu bì của da để tấn công vi khuẩn. Trong trường hợp nhiễm trùng ống tai ngoài mức độ nhẹ, thầy thuốc cũng có thể cân nhắc sử dụng cho da ống tai ngoài.

Liều dùng và đường dùng thường được các nhà sản xuất quy định tuy nhiên những thông tin được cung cấp của nhà sản xuất không thể thay thế cho chỉ định của chuyên gia y tế. Luôn tham khảo ý kiến của người có chuyên môn trước khi dùng thuốc điều trị. Liều sử dụng, đường dùng thuốc có thể thay đổi cho phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ nhiễm trùng, loại nhiễm trùng... Tuy nhiên, bệnh nhân không được tự ý thay đổi liều dùng thuốc khi chưa được sự cho phép của chuyên gia y tế.

Tuy nhiên cũng giống như mọi kháng sinh và các thuốc khác, tobramycin cũng có những tác dụng không mong muốn kể cả khi dùng đường dùng theo chỉ định. Chính vì thế nếu khi nhỏ tai, thấy trẻ đau tai tăng, tăng kích thích vùng ống tai ngoài làm cho trẻ hay kéo tai, dụi tai, quấy khóc, vùng da ống tai ngoài đỏ, loét và tăng chảy nước thì bạn phải dừng thuốc và trao đổi ngay với bác sĩ.



PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào
Ý kiến của bạn