Tại sao kháng thuốc nguy hiểm?

24-10-2017 13:32 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Kháng thuốc đang trở thành một vấn đề đau đầu, nhức nhối và thời sự. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải lên tiếng cảnh báo rằng “không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”.

Cách đây không lâu, một sinh viên dược khoa đã bị bệnh lao phổi và rất nguy hiểm là sinh viên này bị lao siêu kháng thuốc. Tức là không thể dùng các thuốc kháng lao thông thường như isoniazid, rifampicin, ethambutol, pyrazinamid, streptomycin… để trị bệnh cho em. Rất may, đã có sự liên hệ với nước ngoài là Pháp để có thuốc trị lao siêu kháng thuốc hữu hiệu mà ở Việt Nam không có là capreomycin. Và em sinh viên sau đó đã được trị khỏi bệnh. Đây là một trong những trường hợp kháng thuốc kháng sinh đang xảy ra hằng giờ hằng ngày không ở nước ta mà khắp thế giới.

Một nghiên cứu ở 19 bệnh viện ở Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng trong 2 năm (2009 - 2010) về tình trạng kháng thuốc kháng sinh, có 4 chủng vi khuẩn thường gặp kháng kháng sinh là Acinetobacter spp, Pseudomonas spp, E.coli, Klebsiella. Hầu hết các kháng sinh thông thường như: penicillin, tetracycline, streptomycine… hay như kháng sinh cephalosporin thế hệ thứ 3 đều đã xuất hiện các khuẩn kháng thuốc.

Vài nét lịch sử

“Kháng thuốc” gọi đầy đủ hơn là “đề kháng kháng sinh” là tình trạng với liều dùng thông thường, kháng sinh bị lờn chẳng có tác dụng gì đối với vi khuẩn mà trước đây nó tỏ ra rất hiệu quả. Ta cần biết, có nhiều mầm bệnh xâm phạm gây hại cho người: vi khuẩn, siêu vi (virút), ký sinh trùng... và kháng sinh là loại thuốc duy nhất có công hiệu có thể tiêu diệt hay ức chế sự phát triển các vi khuẩn gây bệnh. Kháng sinh được xem như một vũ khí ngăn chặn sự sống của loài vi sinh vật này, nó đã cứu được hàng triệu triệu người trên thế giới. Nhưng ngày nay, càng có nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc và ngày càng có nhiều kháng sinh bị kháng. Vấn nạn kháng thuốc đang trở thành một vấn đề đau đầu, nhức nhối và thời sự. WHO phải lên tiếng cảnh báo rằng “không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”.

Tại sao kháng thuốc nguy hiểm?Kháng sinh khi không giết được vi khuẩn sẽ làm đột biến hệ vật chất di truyền của vi khuẩn

Kháng thuốc xuất hiện rất sớm, gần như song hành với sự xuất hiện kháng sinh. Kháng sinh đầu tiên là penicillin được sản xuất và chính thức dùng trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn vào năm 1945 thì vào năm 1948, người ta phát hiện vi khuẩn Staphylococcus aureus đề kháng với kháng sinh này. Vài năm sau đó, con người chống lại S. aureus đề kháng bằng cách tìm ra kháng sinh mới là nhóm methicillin. Nhưng đến năm 1961, S.aureus lại đề kháng methicillin để được gọi tên MRSA (Methicillin-resistant Staphylococcus aureus). Khi đó, muốn chống lại MRSA phải dùng vancomycin là kháng sinh quý hiếm, dự trữ sau cùng. Đến năm 1997, tai họa lại đến là vì MRSA đề kháng được cả vancomycin để nghiễm nhiên mang tên VRSA (Vancomycin-resistant Staphylococcus aureus). Hiện nay, các vi khuẩn đề kháng được gọi là “super bugs” (tạm dịch “siêu mầm bệnh” hoặc “vi khuẩn siêu đề kháng”)  bởi vì không chỉ có VRSA mà gần đây, có thêm vi khuẩn rất nguy hiểm đã đột biến gen mang gen tiết ra enzym New Dehli Metallo beta-lactamase (viết tắt là NDM-1) đề kháng các KS thuộc nhóm carbamenem (gồm imipenem, meropenem…) là nhóm kháng sinh rất mạnh, thuộc loại dự trữ sau cùng chỉ dùng khi bị nhiễm khuẩn rất nặng. Do carbamenem diệt được nhiều loại vi khuẩn đã đề kháng các loại kháng sinh khác kể cả vancomycin. “Siêu mầm bệnh” này được nhận diện là Klesiella pneumoniae thường gây bệnh viêm phổi và nay được gọi tắt là CRKP (Carbapenem-resistant Klebsiella pneumoniae). Hiện nay, tên MRSA, VRSA, CRKP được xem là nỗi kinh hoàng của giới chức y tế. Chỉ riêng MRSA hằng năm gây chết khoảng 20.000 người ở Mỹ, vượt xa HIV/AIDS.

Người ta ghi nhận chính việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, không đúng cách không đủ liều sẽ làm cho vi khuẩn không bị tiêu diệt hết, một số khả năng thích ứng, đặc biệt có sự đột biến gen trên nhiễm sắc thể kiểm soát sự nhạy cảm đối với kháng sinh, số này tồn tại, đột biến gen phát triển thành “chủng” vi khuẩn mới mà kháng sinh đã sử dụng sẽ không còn tác dụng đối với chúng nữa. Chính kháng sinh tiếp xúc mà không giết được vi khuẩn đã kích thích làm đột biến hệ vật chất di truyền của vi khuẩn làm cho hệ vật chất này bị biến đổi theo hướng kháng lại kháng sinh và gen bị biến đổi này được gọi là gen kháng thuốc. Vi khuẩn kháng thuốc không chỉ truyền gen kháng thuốc cho con cháu của chúng và nguy hiểm hơn là truyền gen kháng thuốc cho vi khuẩn khác loại. Và thế là tính kháng thuốc lan truyền khắp nơi, có thể từ quốc gia này sang quốc gia khác.

Biết rõ những vấn đề vừa nêu, mới thấy thảm họa kháng thuốc là có thật và sự cảnh báo đưa ra là luôn cần thiết.

Nên làm gì để phòng chống kháng thuốc?

Người dân có thể góp phần cải thiện tình trạng kháng thuốc bằng cách:

1. Người bệnh nên dành quyền chỉ định kháng sinh cho thầy thuốc (tức bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh thì mới dùng). Không nên tự ý sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi, không đúng lúc, không đủ liều. Tức là người bệnh không tự ý đến nhà thuốc mua kháng sinh về dùng. Nhà thuốc nên thực hiện đúng quy chế thuốc kê đơn, tức chỉ bán kháng sinh khi có đơn thuốc của bác sĩ.

2. Khi được bác sĩ ghi đơn chỉ định dùng kháng sinh (riêng bác sĩ cũng được khuyến cáo là chỉ định kháng sinh có trách nhiệm), người bệnh nên dùng thuốc đúng liều lượng, đủ thời gian như đã chỉ định, không nên ngưng, bỏ thuốc nửa chừng cho dù thấy bệnh cải thiện.

3. Nhiều mầm bệnh thường lây lan qua đường tiêu hóa (như vi khuẩn E. Coli, kể cả bệnh nhiễm siêu vi như bệnh tay chân miệng). Do đó, nên rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, nên nấu chín thức ăn, tránh ăn rau cải sống chưa được rửa kỹ, tránh ăn thức ăn còn lại từ hôm trước mà không được nấu lại ở nhiệt độ sôi thích hợp… để không bị bệnh nhiễm khuẩn và không phải dùng kháng sinh.


PGS.TS.DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Ý kiến của bạn