Một quan niệm phổ biến cho rằng giun bò lên để tránh ngạt thở do hang ngập nước. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn chính xác.
Giun đất không thở bằng phổi như con người mà hô hấp qua da. Thea Whitman, nhà khoa học đất tại Đại học Wisconsin-Madison, chia sẻ với Live Science: "Giun đất có thể hấp thụ oxy từ cả không khí và nước".
Kevin Butt, nhà sinh thái học về giun đất tại Đại học Central Lancashire (Anh), cũng đồng ý: "Tôi từng nuôi giun đất trong nước suốt nhiều ngày và chúng vẫn sống khỏe mạnh".
Thậm chí, một nghiên cứu từ năm 1956 đã chỉ ra rằng một số loài giun đất có thể sống trong môi trường đất ngập nước hoàn toàn từ 31 đến 50 tuần, miễn là nước đó chứa đủ oxy.
Mặc dù vậy, nhu cầu oxy của giun có thể ảnh hưởng đến hành vi của chúng trong mưa. Nghiên cứu năm 2008 cho thấy những loài giun cần nhiều oxy hơn có xu hướng bò lên mặt đất khi trời mưa, trong khi những loài ít phụ thuộc vào oxy thì vẫn ở lại dưới lòng đất.
Điều này giúp lý giải vì sao chỉ một số loài giun xuất hiện khi mưa lớn.
Các giả thuyết khác
Một giả thuyết thú vị cho rằng giun nhầm lẫn rung động của mưa với tín hiệu cảnh báo từ kẻ săn mồi, như chuột chũi. Nhà khoa học Whitman giải thích: "Giun có thể bò lên mặt đất để thoát khỏi điều chúng nghĩ là động vật ăn thịt".
Tuy nhiên, nhà sinh thái Butt lại bác bỏ giả thuyết này, cho rằng giun đủ khả năng phân biệt rung động của mưa với chuyển động không đều từ chuột chũi.
Một khả năng khác là nước mưa có thể mang tính axit hoặc giải phóng hóa chất độc hại, như kim loại nặng, gây hại cho giun. Dù vậy, nghiên cứu năm 2008 không tìm thấy bằng chứng trực tiếp về điều này.
Trong thực tế, để thu thập giun, người ta thường dùng các dung dịch hóa chất như bột mù tạt pha nước để kích thích chúng bò lên bề mặt.
Theo nhà sinh thái Butt, nguyên nhân hợp lý nhất là giun bò lên để di chuyển nhanh hơn trên mặt đất ẩm ướt. "Chúng cần môi trường ẩm để sinh tồn, những ngày mưa tạo điều kiện lý tưởng cho việc di chuyển mà không lo khô da", ông Butt nói. Những hành trình này giúp giun giao phối hoặc di cư đến môi trường sống mới.
Điều này cũng giải thích tại sao một số động vật như chim hay bò sát thường tạo rung động trên đất để dụ giun lên mặt đất, biến chúng thành bữa ăn.
Con người cũng đã tận dụng phản ứng này từ lâu qua kỹ thuật "gọi giun" (worm grunting hoặc worm fiddling), sử dụng gậy hoặc cưa để tạo rung động trên mặt đất. Ở một số nơi, hoạt động này thậm chí trở thành sự kiện thi đấu và giải trí, như lễ hội "Worm Gruntin" ở Sopchoppy, Florida, Mỹ.