Tại sao doanh nghiệp không tiếp cận nguồn vốn chính sách trả nợ lương lao động ngừng việc sau dịch?

26-05-2020 19:56 | Xã hội
google news

SKĐS - Một trong những chính sách hỗ trợ khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ là hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

Nhiều doanh nghiệp không mặn mà vay vốn để trả lương

Chọn nghỉ việc không lương?

Theo chính sách này thì người sử dụng lao động gặp khó khăn đáp ứng đủ một số điều kiện sẽ được vay ưu đãi ngân hàng CSXH lãi suất 0% để trả lương công nhân trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến ngày 30/6 năm 2020. Mặc dù vậy, do thiếu tính sát thực nên các doanh nghiệp ở Nghệ An không mặn mà với gói hỗ trợ này.

Công ty CP Thương mại Dịch vụ Vận tải Lạc Hồng tại xã Thái Sơn huyện Đô Lương (Nghệ An) có 77 lao động đóng bảo hiểm. Từ khi có dịch COVID -19, Công ty đã báo giảm còn 39 lao động. Đến nay do khó khăn trong kinh doanh, số lao động còn lại doanh nghiệp đang làm thủ tục xin tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. Vậy nhưng, việc vay lãi suất 0% để trả nợ 50% nợ lương công nhân công ty cũng không mặn mà.

Ông Lê Đình Cường,Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính - CtyCP TMDV Vận tải Lạc Hồng giải thích: Tại thời điểm tháng 4 thì nhiều lao động đã nghỉ việc làm. Như vậy họ có 2 lựa chọn, hoặc là nhận 1,8 triệu/ tháng, hoặc là doanh nghiệp trả 50%, còn 50% nữa thì vay bên ngân hàng chính sách. Sau khi cân nhắc, tham khảo ý kiến người lao động, Công ty sử dụng dụng gói hỗ trợ 1,8 triệu mà không vay ngân hàng chính sách.

“Trên thực thực tế cho thấy  số lượng được vay không lớn, vì nếu có vay 50% mức lương tối thiểu như vùng 4 ở đây (3.070.000 đồng) thì chỉ vay được khoảng 1,5 triệu… mà vay dùng để trả lương trực tiếp cho công nhân nên các doanh nghiệp cũng không mặn mà cho lắm,  nên các doanh nghiệp người thường chọn cách thoả thuận với người lao động nghỉ việc không lương”. Bà Phạm Thị Bích Thuỷ, Trưởng phòng LĐTB&XH – UBND huyện Đô Lương – Nghệ An nói.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị quyết 42 của Chính phủ và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ cũng như các văn bản hướng dẫn triển khai của địa phương, thời hạn cho vay áp dụng 3 tháng, từ 1-4 đến 30/6/2020. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chỉ thực sự khó khăn từ tháng 2 đến tháng 4.

Bà Phạm Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng trường mầm non Ánh Dương, huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An cho hay: “Trường chúng tôi nghỉ, dừng hoạt động từ tháng 2, khó khăn nhất của chúng tôi là từ tháng 2 đến tháng 4 nhưng chính sách cho vay vốn lại có hiệu lực từ tháng 4 đến tháng 6.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Dương mong muốn được điều chỉnh thời gian hỗ trợ

Mà tháng 5, tháng 6 thì nhà trường bắt đầu trở lại hoạt động rồi. Chúng tôi cũng mong muốn nếu được điều chỉnh thời gian hỗ trợ từ tháng 2 đến tháng 4 thì sẽ giải quyết được rất nhiều khó khăn cho nhà trường chúng tôi cũng như nhiều đơn vị khác trên địa bàn”.

Rào cản về thủ tục

Cho đến nay, theo thống kê của hệ thống ngân hàng chính sách các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn chưa tiếp nhận được hồ sơ vay vốn nào từ các đơn vị, doanh nghiệp  đề xuất về gói hỗ trợ cho vay lãi suất 0% để trả nợ lương cho người lao động.

Trao đổi với phóng viên, Ông Đinh Thế Vinh, Phó chủ tịch UBND Thị xã Thái Hoà, tỉnh Nghệ An cho biết: Có thể nói số tiền mà doanh nghiệp vay không lớn chỉ tầm 1,5 đến 1,6 triệu đồng/ người/ tháng, mà thời gian nghỉ việc từ khi có giãn cách xã hội và người lao động bắt đầu  trở lại màm việc vào cuối tháng 4, mà chính sách hỗ trợ từ tháng 4 đến táng 6, nếu như vậy các doanh nghiệp có nhận hỗ trợ cũng chỉ được 1 tháng.

Để vay được vốn thì họ phải chứng minh được nguồn tài chính của mình không đủ trả lương cho người lao động, để làm được việc này cần nhiều thủ tục nên các công ty, doanh nghiệp cũng ngại, không muốn làm…

Việc cho doanh nghiệp vay ưu đãi lãi suất 0% để trả nợ 50 lương người lao động là một chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID- 19. Tuy nhiên, với thực tế đang diễn ra là chưa doanh nghiệp nào ở Nghệ An tiếp cận nguồn vốn cho thấy chính sách này còn chưa sát với thực tế.


Từ Thành
Ý kiến của bạn