Tại sao COVID-19 lại nguy hiểm đối với người cao tuổi?

24-03-2020 16:52 | Thông tin dược học
google news

SKĐS -Kể từ khi các số liệu thống kê ban đầu xuất hiện từ Trung Quốc, dường như COVID-19 có xu hướng ảnh hưởng đến người già nhiều hơn những người trẻ tuổi. Và bây giờ, dữ liệu từ Ý cũng phù hợp với phát hiện này, với độ tuổi trung bình các ca tử vong là khoảng 79,5 tuổi.

Hệ thống miễn dịch của người cao tuổi thường bị suy yếu đi theo tuổi tác, điều này đồng nghĩa với việc họ ít có khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng như do COVID-19 gây ra. Theo Sean Leng, giáo sư y khoa tại Đại học John Hopkins, các nghiên cứu trong những năm qua đã chỉ ra rằng ở hầu hết người cao tuổi, chức năng miễn dịch của họ khá ổn ở độ tuổi 60, hoặc thậm chí 70, nhưng chức năng miễn dịch bắt đầu sụt giảm nhanh chóng sau 75 hoặc 80 tuổi.

Số lượng tế bào bạch cầu có khả năng tìm và loại bỏ nhiễm trùng cũng giảm theo tuổi tác. Người cao tuổi có nguy cơ cao có phản ứng miễn dịch nguy hiểm được gọi là "cơn bão cytokine". Mặc dù cytokine là protein báo hiệu cơ thể chống lại nhiễm trùng tốt hơn, nhưng trong một cơn bão, cơ thể sản xuất quá mức những chất này sẽ gây ra tình trạng viêm nặng, sốt cao và đôi khi, suy nội tạng. Vì vậy, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do COVID-19 ở người cao tuổi là do suy hô hấp có thể xảy ra sau cơn bão cytokine.

Hơn nữa, người cao tuổi thường mắc các bệnh mãn tính như bệnh tiểu đường, huyết áp, tim mạch... làm suy yếu thêm khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể. Yếu tố này càng được khẳng định mạnh mẽ khi xem xét số liệu thống kê gần đây từ Ý cho thấy rằng 48,5% số người tử vong có ba hoặc nhiều bệnh tiềm ẩn trong khi 25,6 % có hai và 25,1% có ít nhất một và chỉ có 0,8% tử vong không có bệnh tiềm ẩn nào khác.

Các yếu tố khác có thể khiến người già dễ bị ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19 là tổn thương phổi hỗn hợp ở người lớn tuổi do hút thuốc hoặc sống trong môi trường ô nhiễm.


Mai Anh
Ý kiến của bạn