Những nguyên nhân nào khiến chúng ta mắc tật khúc xạ và làm thế nào để phòng tránh, hạn chế mắc phải, để có một đôi mắt khoẻ đẹp, tự tin trong cuộc sống?
Tật khúc xạ là gì?
Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Anh – Trưởng khoa Khúc Xạ, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, trước hết, cần phân biệt rõ, tật khúc xạ không phải là bệnh, nó chỉ là sự bất thường trong hệ thống khúc xạ của mắt và có thể khắc phục, điều chỉnh bằng kính.
Hệ thống khúc xạ của mắt gồm: giác mạc, thuỷ tinh thể và trục nhãn cầu. Ở mắt bình thường, ánh sáng đi vào nhãn cầu hội tụ trên võng mạc (đáy mắt) và thuỷ tinh thể tạo hình ảnh sắc nét được truyền về vỏ não. Khi mắc tật khúc xạ, hệ thống quang học sẽ hoạt động không bình thường khiến hình ảnh không hội tụ đúng trên võng mạc gây ra hiện tượng nhìn mờ.
Theo báo cáo tại Ngày Thị giác thế giới năm 2020, tật khúc xạ đang ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên, với tỷ lệ mắc khoảng 15-20% ở học sinh nông thôn, 30-40% ở thành phố. Tại Việt Nam, có khoảng gần 15 triệu trẻ từ 6 – 15 tuổi thì 3 triệu trong số đó mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó có tới 2/3 bị cận thị.
Nguyên nhân dẫn đến tật khúc xạ?
Có 4 loại tật khúc xạ thường gặp:
Cận thị: Cận thị là một trong các tật khúc xạ phổ biến nhất. Ở mắt cận thị, hình ảnh của vật thể sẽ không hội tụ tại võng mạc mà sẽ hội tụ ở trước võng mạc. Vì vậy, người cận thị nhìn vật ở xa thường phải nheo mắt. Cận thị ở trẻ em thường tiến triển cho đến khi trẻ trưởng thành.
Nguyên nhân gây ra cận thị có thể do bẩm sinh hoặc do thói quen xấu trong sinh hoạt như: nhìn quá gần khi đọc sách, xem tivi, máy tính trong thời gian dài; học tập và làm việc trong môi trường thiếu sáng hoặc ánh sáng thường xuyên chập chờn, không ổn định; tiếp xúc trực tiếp với nguồn ánh sáng mạnh như ánh nắng mặt trời, tia lửa hàn, ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử…
Viễn thị: viễn thị xảy ra khi các tia sáng đi vào mắt hội tụ sau võng mạc. Người viễn thị có trục nhãn cầu ngắn hơn bình thường.
Có 3 nguyên nhân chính có thể dẫn đến viễn thị:
– Trục nhãn cầu ngắn do bẩm sinh: người có cha mẹ bị viễn thị thường sẽ dễ có khả năng bị viễn thị hơn.
– Do thói quen thường xuyên nhìn xa: Thói quen này khiến thủy tinh thể luôn phải đàn hồi. Lâu dần, tính đàn hồi giảm đi và thủy tinh thể sẽ mất dần khả năng điều tiết.
– Sự lão hóa: Thể thủy tinh khi bị lão hóa sẽ mất dần đi tính đàn hồi và có thể dẫn đến tật viễn thị. Bởi vậy, chúng ta thường nhầm lẫn giữa viễn thị và lão thị, vì cả hai đều có biểu hiện khó khăn khi nhìn gần.
Loạn thị: đối với những người bình thường, giác mạc có hình cầu, hình ảnh ghi lại sẽ được hội tụ tại 1 điểm trên võng mạc, còn đối với người bị loạn thị, giác mạc có độ cong khác nhau, hình ảnh thu được sẽ được hội tụ tại nhiều điểm trên võng mạc khiến người loạn thị nhìn hình ảnh bị nhoè, mờ, không rõ ràng, thậm chí biến dạng.
Hầu hết, tật loạn thị là do bẩm sinh, nhưng cũng có không ít trường hợp là do thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý và chăm sóc, vệ sinh mắt sai cách.
Lão thị: là tình trạng suy giảm chức năng điều tiết để nhìn gần do quá trình lão hóa tự nhiên gây nên.
Chức năng điều tiết của mắt có được là nhờ khả năng đàn hồi của thủy tinh thể giúp hội tụ hình ảnh của vật thể ở gần lên trên võng mạc. Qua thời gian, cùng với lão hóa tự nhiên của cơ thể, thể thủy tinh bên trong mắt dần xơ cứng, khả năng đàn hồi kém hơn và dần mất đi tính linh hoạt vốn có, dẫn đến khả năng điều tiết của mắt giảm, làm mắt khó khăn khi nhìn gần.
Chúng ta thường chỉ quan tâm đến tật khúc xạ ở người trẻ (cận thị, loạn thị, viễn thị) mà ít quan tâm đến tật khúc xạ lão thị ở người cao tuổi. Bởi lão thị là một vấn đề do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể nên không ai có thể phòng tránh, ngăn ngừa được. Tuy nhiên, những người mắc lão thị có thể cải thiện được sự bất tiện do lão thị gây nên.
Phòng tránh và cải thiện tình trạng mắc tật khúc xạ
Như đã đề cập ở trên, tật khúc xạ có thể cải thiện và điều chỉnh được bằng kính. Bên cạnh đó, để phòng tránh mắc tật khúc xạ và hạn chế, giảm thiểu được những bất tiện do tật khúc xạ gây ra, PGS.TS Nguyễn Đức Anh có một số lưu ý như sau:
- Nên đi khám mắt định kì 6 tháng một lần, đặc biệt đối với những người cận thị, loạn thị để được đo mắt và điều chỉnh độ kính phù hợp và kiểm soát được tiến triển của tật khúc xạ. Với những người đang có đôi mắt khoẻ mạnh cũng không nên chủ quan mà nên có thói quen đi kiểm tra mắt, đừng để khi có những dấu hiệu nghiêm trọng mới đi khám, vì nguy cơ mắc các bệnh lý về mắt cũng có thể xảy ra bất cứ khi nào.
- Xây dựng thói quen sống và sinh hoạt lành mạnh. Đối với trẻ nhỏ, ngoài thời gian học tập, nên cho trẻ có nhiều hoạt động thể chất ở ngoài trời. Nên mang kính râm để ngăn chặn ánh tia cực tím vào những ngày nắng mạnh. Tránh xa các sản phẩm có cồn, chất kích thích như thuốc lá, rượu bia…
- Cần cho mắt thời gian nghỉ ngơi sau một khoảng thời gian làm việc, học tập kéo dài. Thông thường, sau 45 phút làm việc trên máy tính và các thiết bị điện tử, bạn nên cho mắt nghỉ 5 – 10 phút bằng cách nhìn ra xa.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đa dạng các loại thực phẩm như khoai lang, cà rốt (cung cấp nhiều vitamin A); cải bó xôi, trứng (nguồn cung cấp lutein và zeaxanthin hỗ trợ bảo vệ võng mạc); hàu (cung cấp kẽm, selen, đồng và axit béo omega-3 tốt cho mắt); hạnh nhân hạt hướng dương, đậu phộng, bơ (bổ sung vitamin E); sữa và các sản phẩm từ sữa (chứa vitamin A và kẽm)…
- Cải thiện môi trường học tập, làm việc đủ ánh sáng, ánh sáng không được chiếu thẳng vào mắt; điều chỉnh khoảng cách tầm 50-60cm khi đọc sách và khi sử dụng tivi, máy tính…
- Với những người lão thị, nên duy trì thói quen đeo kính sau khi đã được bác sĩ chẩn đoán và đo kính, để thuận tiện hơn trong sinh hoạt và cuộc sống, tránh những phiền toái gặp phải do lười điều tiết mắt.
Khi gặp bất cứ vấn đề nào về tật khúc xạ kể trên, hãy đến các cơ sở chuyên khoa mắt uy tín để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời. Hãy chăm sóc "cửa sổ tâm hồn" của mình một cách khoa học và đúng phương pháp để có một cuộc sống chất lượng hơn.