Tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội diễn ra ngày 3/3, các đại biểu đã nghe báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật dược sửa đổi. Xung quanh quy định liên quan đến cấp chứng chỉ hành nghề dược, hiện nay vẫn có hai phương án: cấp một lần vĩnh viễn hoặc có thời hạn 5 năm.
Cơ hội đẻ người hành nghề cập nhật kiến thức
Báo cáo tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ ra rằng việc cấp chứng chỉ hành nghề 5 năm/lần tuy phù hợp với thông lệ quốc tế và giúp quản lý được chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn nhưng lại phát sinh thủ tục hành chính, chưa phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện nay.
Ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho biết, quy định cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn là cơ hội để người hành nghề dược cập nhật kiến thức y khoa, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời giúp giám sát hoạt động của người hành nghề, có cơ chế thu hồi chứng chỉ hành nghề
“Hiện nay các nước (trừ Ba Lan) đều cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn 2-5 năm. Thực tế nước ta có khoảng 90% người được cấp chứng chỉ hành nghề dược chưa cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Do đó nếu thực hiện quy định này thì cũng tương ứng thu hồi 90% chứng chỉ hành nghề hiện tại”- ông Quang thông tin.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết khi hội nhập ASEAN, các nước sẽ thừa nhận lẫn nhau về hành nghề bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ. Nếu chọn phương án 1, ngành y tế sẽ rất khó khi gia nhập cộng đồng ASEAN, các hoạt động hợp tác kinh doanh theo hình thức ODA sẽ giảm. Thực tế Luật khám chữa bệnh có quy định cấp chứng chỉ hành nghề một lần thì sau đó nhiều dự án ODA đối với ngành y tế đã bị cắt. Nếu thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề dược có thời hạn thì sẽ xây dựng phương thức cấp qua mạng để giảm bớt thủ tục.
Cấp chứng chỉ hành nghề y, dược có thời hạn để hội nhập quốc tế
Đó là ý kiến của GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam khi trao đổi với báo chí về quan điểm cấp chứng chỉ hành nghề y, dược. “Các nước trên thế giới hiện cấp chứng chỉ hành nghề y, dược theo niên hạn. Nước ta đang hội nhập quốc tế thì phải tuân thủ với hội nhập, khi đó sang nước khác hành nghề, chúng ta mới được công nhận. Cho đến nay, bác sĩ ở Việt Nam vẫn chưa được công nhận hành nghề khi ra nước ngoài”- GS Hùng nói.
Theo GS Phạm Mạnh Hùng, chúng ta cần phải phân biệt 2 khái niệm: Bằng tốt nghiệp đại học và chứng chỉ hành nghề. Bằng đại học chỉ là giai đoạn nhà trường, chỉ tiếp thu một số kiến thức, còn tay nghề chưa bài bản vì thực hành trong nhà trường chưa đủ để thực hành trên cơ thể con người. Vì vậy, với ngành y muốn hành nghề ngoài bằng đại học phải có chứng chỉ hành nghề.
Vì đây là nghề thực hành, đòi hỏi phải có kinh nghiệm, từng trải nên phải rèn luyện tay nghề. Mọi thao tác phải chuẩn và gần như trở thành bản năng thì mới bảo đảm tính chất hành nghề.
Việc cấp chứng chỉ hành nghề theo thời hạn sẽ giúp ngành y có cơ hội hội nhập về nhân lực với khu vực
Mặt khác, khối lượng kiến thức của nhân loại để phục vụ khám chữa bệnh rất lớn và luôn thay đổi. Nếu không đọc sách 1 tháng thì sẽ trở thành lạc hậu so với thế giới. Và nếu không chịu học hỏi, không chịu tiếp thu thì sẽ càng tụt dốc. Chẳng hạn, có loại thuốc trước đây được chỉ định nhưng đến nay không còn được chỉ định nữa... và những điều này cần phải được học, được bồi dưỡng và đào tạo y khoa liên tục. Đặc biệt, ngay bản thân mỗi bác sĩ phải coi đây là nhiệm vụ thì mới có kiến thức để thực hành.
“Một thực tế nữa hiện nay, khi hội nhập, đương nhiên có bác sĩ nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, trong đó có cả bác sĩ lành nghề và những bác sĩ không thể hành nghề ngay trên đất nước họ và muốn đi tìm môi trường làm việc khác. Vì thế, chứng chỉ hành nghề cũng là cách kiểm soát lực lượng lao động nước ngoài đến nước ta hành nghề có chất lượng. Vì những lý do trên mà các nước trên thế giới hiện nay đang cấp giấy hành nghề y, dược có niên hạn và sau từng giai đoạn phải có sát hạch và cấp lại giấy phép hành nghề.Theo xu hướng đó của thế giới, nước ta đang hội nhập thì cũng cần phải tuân thủ với hội nhập”- GS Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.