Tại sao cà phê có thể gây nguy hiểm cho người mắc bệnh đái tháo đường?

10-05-2020 17:15 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Caffeine trong cà phê có thể gây nguy hiểm cho những người mắc bệnh đái tháo đường vì khả năng làm tăng lượng đường trong máu.

Các nhà khoa học ngày càng nhận được nhiều dữ liệu cho thấy, những người mắc bệnh đái tháo đường typ 2 có thể quá nhạy cảm với caffeine – có sự gia tăng nồng độ đường trong máu khi đáp ứng với cà phê. Kết quả này đã được đăng trên ấn phẩm Express.

Các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu liên quan đến những người mắc bệnh đái tháo đường typ 2, cho uống một viên caffeine 250 mg sau bữa sáng và bữa trưa, tương đương với việc uống hai tách cà phê. Kết quả cho thấy nồng độ đường trong máu của người tham gia cao hơn 8% so với cùng thời điểm khi không uống caffeine. Lượng đường trong máu của họ cao hơn sau mỗi bữa ăn.

Giải thích về tác dụng này, các nhà nghiên cứu cho biết: Caffeine có trong cà phê làm giảm độ nhạy cảm của cơ thể với insulin. Điều này có thể gây nguy hiểm cho những người mắc bệnh tiểu đường.

Insulin là một loại hormone điều chỉnh đường máu vào tế bào cơ thể từ thức ăn và đồ uống. Việc giảm độ nhạy cảm với nó sẽ phá vỡ các quá trình hấp thụ glucose của tế bào và kết quả là hàm lượng đường trong máu tăng lên.

Trong bệnh đái tháo đường typ 2, khi cơ thể đã có vấn đề với các phản ứng với insulin và lượng đường trong máu, khả năng cà phê làm giảm sự nhạy cảm với hormone này có thể gây ra các rối loạn nghiêm trọng hơn, làm nặng thêm tình trạng kháng insulin nguy hiểm. Điều này có thể dẫn đến lượng đường trong máu quá cao, theo thời gian có thể làm tăng khả năng biến chứng bệnh tiểu đường, bao gồm tổn thương thần kinh hoặc bệnh tim, hoặc thận…


Nguyễn Ngân
Ý kiến của bạn