Hà Nội

Tại sao bị rối loạn lo âu lại uống thuốc chống trầm cảm?

09-03-2020 12:37 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Tôi năm nay 56 tuổi, bị rối loạn lo âu. Bác sĩ cho tôi dùng các thuốc mirtazapine và clomipramine.

Tuy nhiên tôi đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc thì đây là hai thuốc chống trầm cảm. Xin hỏi vì sao tôi bị rối loạn lo âu mà bác sĩ lại cho dùng thuốc chống trầm cảm. Dùng các thuốc này cần lưu ý gì? Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Nguyễn Vũ Minh (Yên Bái)

Trong điều trị bệnh rối loạn lo âu hiện nay các bác sĩ chuyên khoa tâm thần vẫn chỉ định cho bệnh nhân sử dụng các thuốc chống trầm cảm. Mirtazapine và clomipramine là hai loại thuốc chống trầm cảm có hiệu quả cao trong điều trị rối loạn lo âu mà nhiều bác sĩ tâm thần hiện nay thường kê đơn cho bệnh nhân dùng. Các thuốc mirtazapine và clomipramine ngoài có hiệu quả giảm lo âu, còn gây ngủ tốt và tác dụng này cũng xuất hiện khá sớm.

Mirtazapine là thuốc chống trầm cảm đa vòng, có tác dụng chống trầm cảm, lo âu tốt và có ít tác dụng phụ. Thuốc có tác dụng kéo dài nên mỗi ngày chỉ cần uống một lần là đủ. Tuy nhiên, thuốc này cũng có tác dụng phụ nhẹ là khô miệng, đắng miệng, ăn ngon miệng (nên dễ tăng cân). Vì vậy trong quá trình uống thuốc anh nên chú ý ăn ít tinh bột, chất béo và chất ngọt, tập luyện thể thao đều đặn để hạn chế việc tăng cân.

Clomipramine là thuốc chống trầm cảm ba vòng, có tác dụng tốt cho những bệnh nhân lo âu, trầm cảm hoặc mất ngủ mạn tính. Thuốc cũng có tác dụng điều trị cao, an toàn và cách dùng đơn giản. Tuy nhiên, thuốc có một số tác dụng phụ nhẹ như mệt mỏi, khô miệng, đắng miệng, táo bón trong tuần đầu dùng thuốc. Những người có phì đại tiền liệt tuyến cần thận trọng khi dùng thuốc này (vì thuốc có thể gây bí tiểu).

Với bệnh lo âu lan tỏa, bệnh nhân sẽ phải uống thuốc như trên trong suốt phần còn lại của cuộc đời. Nói cách khác là nếu bỏ thuốc thì bệnh sẽ nhanh chóng tái phát. Vì vậy anh nên duy trì uống thuốc và tái khám theo hẹn của bác sĩ điều trị.

PGS. TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm khoa Tâm thần - Bệnh viện Quân y 103)


Ý kiến của bạn