(SKDS) - Gần đây tôi bị đau quặn bụng bên trái dữ dội, kèm theo đái buốt, đái dắt. Bệnh tái phát lần thứ hai cách lần đầu hơn một tuần. Tôi đi khám, siêu âm được biết bị giãn đài bể thận bên trái. Vì sao tôi bị đau như vậy? Điều trị thế nào?
Nguyễn Văn Điền(Nam Định)
Theo thư bạn kể thì bạn đã hai lần bị cơn đau quặn thận bên trái do sỏi đường tiết niệu. Khi một viên sỏi từ thận rơi xuống niệu quản rồi di chuyển xuống dưới, sẽ gây đau dữ dội vì niệu quản phải co bóp mạnh để tống sỏi đi xuống bàng quang. Nếu viên sỏi nhỏ, nó có thể di chuyển được xuống bàng quang, rồi ra niệu đạo, gây đau buốt dọc đường tiết niệu trong khi ra ngoài theo nước tiểu.
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Trường hợp sỏi to hoặc thô ráp, nó sẽ mắc kẹt trong niệu quản, gây tắc nước tiểu từ thận xuống, làm cho đài bể thận bị giãn ra. Nếu để tắc lâu thì cả quả thận sẽ bị giãn, bị hủy hoại, không còn chức năng của thận nữa mà chỉ là một cái túi chứa nước tiểu ứ đọng rất dễ bị nhiễm khuẩn. Bạn nên đến khám ở khoa tiết niệu bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu viên sỏi niệu quản to, sần sùi, nằm ở điểm hẹp của niệu quản, không có khả năng trôi xuống bàng quang thì phải mổ lấy sỏi.
BS. Trần Thị Hiền Trang