Lỗi gen và tiếng ồn thủ phạm gây điếc mạn tính cho Beethoven
Theo tài liệu còn ghi thì Ludwig van Beethoven, người đặt chiếc cầu nối giữa âm nhạc cổ điển với âm nhạc lãng mạn lại bị điếc rất sớm, nó làm ảnh hưởng đến tài năng của ông. Trước phát hiện trên, hậu thế tình nghi đến một số nguyên nhân khác như: bệnh giang mai, sốt phát ban, nhiễm độc và thói quen dìm đầu vào nước lạnh để tỉnh táo. Theo nghiên cứu của Đại học Southern California, Mỹ (USC) vừa công bố trên tạp chí PloS Genetics hồi trung tuần tháng 4 vừa qua thì thủ phạm gây giảm thính lực dẫn đến điếc hoàn toàn đối với Beethoven chính là lỗi gen. Đó là gen có tên Nox3, nằm ở tai trong, gây ù, chói tai và các tổn thương dẫn đến mất thính lực. Lỗi gen này cũng chính là nguyên nhân gây ra căn bệnh tương tự ở giới nhạc sĩ, như Eric Clapton, Phil Collins, Ozzy Osbourne và Mark Knopfler. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm hiểu ADN của những con chuột phơi ra môi trường tiếng ồn lớn và phát hiện thấy gen khuyết tật làm tăng tổn thương tai, giảm sức nghe của loài gậm nhấm, phát hiện ra hàng trăm gen liên quan đến căn bệnh phức tạp này. Giáo sư Rick Friedman, người tham gia trong nghiên cứu của USC cho biết: “Hiểu được quá trình sinh học gây suy giảm thính lực do phơi nhiễm tiếng ồn giúp y học sớm tìm được giải pháp trị bệnh điếc nghề nghiệp, làm giảm chất lượng cuộc sống. Đến nay khoa học đã đạt được nhiều thành tựu trong việc phục hồi thính lực, nhưng việc bảo vệ đôi tai là điều vô cùng quan trọng của mỗi người. Riêng nghiên cứu hệ gen, các đột biến AND còn giúp khoa học hiểu được cội nguồn gây bệnh và có giải pháp chữa trị mang tính khả thi cao hơn”.
Beethoven mắc chứng ù tai kể từ năm 31 tuổi, ban đầu nhẹ nhưng dần dần tăng lên, giống như tiếng gầm rú của động cơ, lấn át cả sức nghe làm cho ông không nhân biết âm thanh một cách chính xác, làm tăng tính tự ti, né tránh tiếp xúc với cộng đồng. Nguyên nhân gây điếc của Beethoven vẫn còn là bí ẩn, từ lâu nó được quy cho nhiều nguyên nhân, trong đó có cả thói quen dìm đầu vào nước lạnh giữ tỉnh táo khi sáng tác, thậm chí, vào năm 1802 ông đã có ý định tự tử.
Bệnh điếc không cản trở tài năng của Beethoven
Beethoven sinh ngày 17/12/1770, qua đời ngày 26/3/1827, được hậu thế tôn vinh là “Thánh nhạc” bởi tên tuổi ông gắn liền với những tác phẩm âm nhạc bất hủ, và có ảnh hưởng lớn đến các thế hệ các nhà soạn nhạc và nhạc sĩ đi sau. Những kiệt tác của Beethoven hiện vẫn sống trong lòng khán giả như bản Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê)… Khúc đam mê (Appasionata) và vở Opera duy nhất mang tên Fidelio.
Eric Clapton
Beethoven sinh tại TP Bonn, Rhineland nước Đức, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Ngay từ thuở thiếu thời, ông đã thể hiện năng khiếu âm nhạc, được người cha hướng vào âm nhạc rất sớm và chính ông cũng coi âm nhạc là một lối thoát và là cách tốt nhất làm tròn chữ hiếu với người cha mặc dù cha ông là một người nghiện rượu và thô lỗ, còn mẹ lại hay đau ốm. Cũng phải nói thêm rằng, mối quan hệ cha con Beethoven không hề suôn sẻ, lúc 5 tuổi ông bị chứng viêm tai giữa nhưng cha mẹ không hề hay biết, không được điều trị hoặc điều trị sai cách nên dẫn đến bị điếc lúc trưởng thành.
Phil Collins
Trong khi đang ở đỉnh cao của âm nhạc thì Beethoven lại bị mất thính lực, một công cụ rất quan trọng đối với một nhạc sĩ. Nếu trước đây tự hào bao nhiêu thì nay khị bị nghễnh ngãng Beethoven lại buồn tủi bấy nhiêu, và cá tính lập dị vốn có lại có dịp phát triển, biến ông thành con người đa nghi, cáu giận. Khi bị điếc hoàn toàn cả hai tai vào năm 1818, Beethoven vẫn không nản chí, vẫn sáng tác và chính lúc này hàng loạt những tác phẩm bất hủ đã được ra đời và đi vào huyền thoại của nhân loại.
Cuối tháng 3/1827, trên đường trở về nhà do thời tiết giá lạnh, sức khỏe lại kiệt quệ, bệnh hen suyễn của Beethoven càng thêm trầm trọng đã làm ông khạc ra từng đống máu và khi về được đến nhà thì ông đã trút hơi thở cuối cùng khi vừa bước sang tuổi 57.
Liên quan đến căn bệnh điếc, các chuyên gia ở USC cho hay, tại Anh hiện có khoảng 18.000 người đang bị mất thính giác do tiếng ồn, còn ở Mỹ đây là một trong những căn bệnh liên quan đến công việc phổ biến nhất, đặc biệt là trong quân đội. Những người có yếu tố di truyền thì tỉ lệ mắc bệnh cao hơn người bình thường, vì vậy khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm ồn, kể cả âm thanh âm nhạc như nhạc rock, mọi người cần có phương án bảo vệ tai. Theo Viện nghiên cứu Hoàng gia về bệnh khiếm thính Anh, nếu nghe nhạc từ trên 55 decibel trở lên sẽ bị điếc rất nhanh, thậm chí dưới mức này cũng bị ảnh hưởng, nếu tăng đến 85 decibel thì nguy cơ bị điếc là điều khó tránh. Để hạn chế hệ lụy, giới nhạc sĩ hiện nay thường bảo vệ đôi tai mình bằng cách sử dụng bộ lọc âm trong tai (in-ear monitors) để kiểm soát âm thanh hỗn tạp, hạn chế những căn bệnh đáng tiếc mà Beethoven đã từng mắc phải trước đây.
Theo DM- 5/2015
Khắc Hùng