Hà Nội

Tại sao bàng quang dễ viêm?

15-09-2015 09:13 | Y học 360
google news

SKĐS - Viêm bàng quang là một bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi và với người cao tuổi (NCT) chiếm tỉ lệ cao nhất bệnh Nếu không phát hiện và điều trị dứt điểm có thể gây viêm thận gây suy thận.

Viêm bàng quang là một bệnh rất phổ biến, chiếm khoảng trên 50% số ca nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nguyên nhân

Viêm bàng quang ở NCT thường gặp nhất là viêm ngược dòng từ niệu đạo đi lên hoặc do sỏi bàng quang gây ứ đọng nước tiểu hoặc ở nam giới do bệnh của tiền liệt tuyến (tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến, u tuyến tiền liệt bởi viêm hoặc ung thư) gây tiểu khó, tiểu không hết, ứ đọng nước tiểu ở bàng quang. Viêm bàng quang có thể từ viêm thận lan xuống hoặc do vãng khuẩn huyết (E.coli) hoặc nhiễm khuẩn huyết gây ra.

Một số NCT là nam giới viêm bàng quang do tắc nghẽn niệu đạo với nhiều lý do khác nhau (tiền sử: nong niệu đạo, thông tiểu, viêm niệu đạo do lậu, do Chlamydia…).

Ở nữ giới, viêm bàng quang thường xảy ra do viêm nhiễm ngược dòng nước tiểu bởi phương pháp vệ sinh hàng ngày không đúng cách, trong khi đó lỗ tiểu và hậu môn gần nhau rất dễ nhiễm bẩn. Ở một số người do vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài hàng ngày không tốt hoặc do độ pH thấp quá (dưới 5), ít vận động bởi sức yếu, bại liệt, béo phì là nguyên nhân thuận lợi cho bàng quang lâm bệnh.

Ở người bình thường, trong nước tiểu không có vi sinh vật. Khi xuất hiện viêm bàng quang, chứng tỏ trong nước tiểu có vi sinh vật gây bệnh. Căn nguyên gây bệnh chủ yếu do vi khuẩn, một số trường hợp có thể do vi nấm, trong đó vi khuẩn đường ruột chiếm tỉ lệ cao nhất, đó là E.coli, Proteus, Klebsiella pneumoniae, Enterococcus faecalis. Một số trường hợp có thể gặp là tụ cầu da, tụ cầu hoại sinh, thậm chí có thể gặp tụ cầu vàng hoặc trực khuẩn mủ xanh. Nếu gặp phải các loại vi khuẩn này, việc chữa trị gặp không ít khó khăn vì khả năng kháng lại các kháng sinh của chúng khá mạnh. Nguyên nhân sâu xa của viêm bàng quang ở NCT là do chức năng sinh kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh đã dần dần suy giảm cho nên vi sinh vật rất dễ tấn công.

Triệu chứng viêm bàng quang

Triệu chứng của viêm bàng quang ở NCT là tiểu gắt, buốt (đau khi đi tiểu, có thể đau dọc theo đường đi của niệu đạo ra lỗ tiểu), đi tiểu nhiều lần do mỗi lần tiểu không hết nước tiểu. Vì vậy, lúc nào cũng có cảm giác buồn tiểu. Nước tiểu có màu đục (có thể mủ hoặc cặn hoặc cả hai), có thể có máu (ít khi mắt thường nhìn thấy mà phải xét nghiệm nước tiểu và soi bằng kính hiển vi). Người bệnh có cảm giác bàng quang lúc nào cũng căng đầy, khó chịu ở vùng bụng dưới (vùng bàng quang). Đau vùng thắt lưng đau trên xương mu và đau vùng bụng dưới có thể gặp trong đa số các trường hợp viêm bàng quang. Một số trường hợp có sốt nhẹ, mệt mỏi. Nếu viêm bàng quang do sỏi thận nhiều trường hợp có cơn đau quặn thận bởi sự tác động của sỏi, nếu sỏi có nhiều góc cạnh (sỏi san hô) cơn đau càng dữ dội. Viêm bàng quang có thể dẫn tới viêm thận gây suy thận. Suy thận là một căn bệnh rất khó khăn trong điều trị.

Để chẩn đoán viêm bàng quang ở NCT, ngoài các triệu chứng lâm sàng nên hỏi kỹ tiền sử (viêm niệu đạo, nong niệu nạo, thông tiểu…) để có định hướng trong chẩn đoán. Siêu âm hệ tiết niệu là việc làm rất cần thiết, bởi vì, siêu âm sẽ cho biết tình trạng của hệ tiết niệu (viêm, sỏi, u…), trong đó có bàng quang. Nếu có điều kiện nên xét nghiệm nước tiểu (phân tích nước tiểu, soi cặn, nuôi cấy xác định vi khuẩn). Nuôi cấy vi khuẩn còn có giá trị trong việc thực hiện kỹ thuật kháng sinh đồ để xác định vi khuẩn gây bệnh viêm bàng quang cho bệnh nhân đó nhạy cảm nhất với loại kháng sinh gì, trên cơ sở đó giúp cho bác sĩ điều trị lựa chọn kháng sinh thích hợp để điều trị có hiệu quả nhất. Ngoài ra, có thể chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu (CT).

Nguyên tắc điều trị

Điều trị viêm bàng quang dựa trên cơ sở đã chẩn đoán xác định và tốt nhất là xác định được căn nguyên gây bệnh mới điều trị có hiệu quả nhất. Vì vậy, khi người cao tuổi nghi bị viêm đường tiết niệu (trong đó có viêm bàng quang) nên đi khám bệnh ở cơ sở y tế đủ điều kiện. Tùy theo căn nguyên gây bệnh, sẽ có hướng điều trị cụ thể và điều trị kết hợp cho từng người (điều trị sỏi tiết niệu, viêm tiết niệu, viêm tiền liệt tuyến, tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến, viêm bàng quang…) mới thu được kết quả. Để bệnh chóng khỏi và tránh vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh (nhờn thuốc), người bệnh không tự động mua thuốc để điều trị, phải theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình.

Lời khuyên của thầy thuốc

Phòng bệnh viêm bàng quang, NCT cần vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục ngoài hàng ngày, đặc biệt cần quan tâm với người bệnh bị bại liệt, tiểu không tự chủ, dùng bỉm... Cần uống đủ lượng nước hàng ngày, ăn thêm rau, trái cây và không được nhịn tiểu để tránh ứ đọng nước tiểu hoặc cô đặc nước tiểu làm cho vi sinh vật dễ hoạt động. Khi có bệnh sỏi tiết niệu, viêm tiết niệu, bệnh của tiền liệt tuyến (nam giới) cần điều trị tích cực không được chủ quan. NCT nên vận động cơ thể đều đặn hàng ngày để việc bài tiết và lưu thông nước tiểu được dễ dàng. NCT nên có chế độ ăn uống hợp lý để tăng sức đề kháng chống chọi với bệnh tật, nhất là các bệnh nhiễm trùng, trong đó có bệnh viêm bàng quang.

PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

 

 


Ý kiến của bạn