Đa số polyp túi mật thuộc dạng lành tính (92%). Tuy vậy, có một tỉ lệ thấp có thể trở thành ác tính.
Nguyên nhân
Polyp túi mật là tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật, là hình thái tổ chức xuất phát từ thành túi mật phát triển lồi vào trong lòng túi mật. Mọi lứa tuổi có thể bị polyp túi mật, nhưng chủ yếu gặp ở người trưởng thành, có tác giả cho biết thường gặp ở phụ nữ độ tuổi 30 - 50. Tỉ lệ gặp polyp túi mật khoảng từ 0,3 - 9% trong cộng đồng.
Có nhiều yếu tố thuận lợi đối với việc hình thành polyp túi mật như rối loạn chức năng gan - mật, rối loạn đường máu, rối loạn mỡ máu, người thừa cân, béo phì, chế độ dinh dưỡng ăn uống không phù hợp (ăn nhiều mỡ, phủ tạng động vật…), gan nhiễm mỡ, nhiễm virút viêm gan. Các dạng polyp túi mật dạng lành tính là u tuyến, u cơ, u cơ - tuyến, u mỡ, u giả cholesterol.
Số lượng và kích thước của polyp túi mật cũng khá đa dạng, nhưng thường gặp nhất là có một polyp và kích thước nhỏ hơn 10mm. Một số người có thể có nhiều polyp trong túi mật và có thể có kích thước khá lớn (trên 20 - 40mm). Một số trường hợp vừa có polyp vừa có sỏi túi mật.
Lời khuyên của thầy thuốc
Hiện nay, điều trị bằng phương pháp nội soi là một phẫu thuật ít xâm hại, ít đau, ít biến chứng và sau phẫu thuật người bệnh hồi phục nhanh. Tuy vậy, khi chưa đúng chỉ định cắt bỏ túi mật, sẽ không cần thiết can thiệp, bởi vì túi mật có vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa dịch mật giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn của hệ tiêu hóa, do vậy không thể tùy tiện cắt bỏ khi chưa có chỉ định.
TS. BÙI MAI HƯƠNG
Mời xem tiếp bài 2: Các dấu hiệu dễ bỏ qua của polyp túi mật ra ngày 15/7/2015