Tại sao âm tính với SARS-CoV-2 mà vẫn bị ho, cách giảm ho hiệu quả

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào

Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội

SKĐS - Rất nhiều người nhiễm SARS-CoV -2, sau khi có kết quả kháng nguyên âm tính (test nhanh) mà vẫn bị ho, vì sao vậy?

1. Vì sao vẫn bị ho khi đã âm tính với SARS-CoV-2?

Ho là một phản xạ làm sạch bụi, đờm và các chất kích thích khác khỏi đường thở của bạn (họng – thanh quản – khí quản - phổi), nên ho được coi là phản xạ bảo vệ có lợi của cơ thể nên bác sĩ chỉ cắt cơn ho khi ho quá nhiều ảnh hưởng tới ăn uống và giấc ngủ.

Sau khi không còn sự có mặt của kháng nguyên ở vùng mũi họng, bạn có thể tiếp tục bị ho khan trong một thời gian.

Ho có thể xuất hiện thành cơn, khi ho quá nhiều sẽ gây kích ứng, gây đau rát họng, đau dọc theo đường giữa xuống ngực. 

Ho dẫn tới không ăn, không ngủ được và làm bệnh nhân lo lắng nghĩ rằng mình bị tổn thương ở phổi, do hậu COVID-19

Vì sao xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 âm tính mà vẫn ho? - Ảnh 1.

Những cơn ho dai dẳng ở người đã âm tính với SARS-CoV-2 (ảnh minh họa).

Ho kéo dài cũng có thể làm tổn thương biểu mô đường hô hấp dẫn tới sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, nấm… có sẵn tại đường thở và gây viêm, làm cơn ho trầm trọng hơn, ho sâu, ho trở nên có đờm đặc dần và vàng xanh...

Mặt khác, người nhiễm SARS-CoV -2 có thể bị ngạt mũi, nếu không điều trị làm bạn thở bằng miệng, bạn sẽ hít nhiều không khí khô, không được hệ thống làm sạch, làm ấm và làm ẩm của mũi và đi thẳng vào phổi, ảnh hưởng đến niêm mạc của đường thở và gây ho.

Vì sao xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 âm tính mà vẫn ho? - Ảnh 3.

Một trong những nguyên nhân gây ho sau mắc COVID-19.


2. Bạn xử trí cơn ho của mình như thế nào?

2.1. Các biện pháp không dùng thuốc

- Hít vào và thở ra bằng mũi, thở chậm cho đến khi hết ho.

- Ngậm miệng và nuốt liên tục đến khi hết cơn ho.

- Uống những ngụm nhỏ nước ấm đến khi cơn ho dừng.

Tùy theo đáp ứng của cá nhân mà bạn lựa chọn các phương pháp này cho phù hợp.

Vì sao xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 âm tính mà vẫn ho? - Ảnh 4.

Sơ đồ hướng dẫn giảm cơn ho sau COVID-19.

Kỹ thuật giảm ho sau COVID-19:

  • Ngồi thẳng lưng và thoải mái.
  • Hít vào sâu và từ từ bằng mũi và giữ đếm 3-4 (nếu bạn có thể), sau đó nhẹ nhàng thở ra khỏi miệng. Lặp lại 3-4 lần.
  • Thở nhẹ nhàng, thư thái trong 20-30 giây (kiểm soát nhịp thở), lặp lại bước 2 và bước 3 đến 3 lần.
  • Hít sâu từ từ vào bằng mũi, sau đó thở nhanh không khí ra bằng miệng, lặp lại điều này trong 3-4 chu kỳ hoặc cho đến khi bạn cảm thấy đờm đã sạch. 

Đôi khi bạn có thể cảm thấy chóng mặt khi thực hiện thì tạm thời dừng nghỉ 30 phút rồi lặp lại. 

Bạn có thể cần sử dụng kỹ thuật này nhiều lần trong ngày - tìm một thời điểm thuận tiện cho bạn và cố gắng sử dụng nó vào những thời điểm trong ngày mà bạn cảm thấy hiệu quả nhất.

2. 2. Sử dụng thuốc

Phải tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ vì tùy theo nguyên nhân cụ thể mà bác sĩ có những chỉ định thuốc nhất định.

2.2.1. Nguyên nhân ho do kích thích, sử dụng các thuốc sau theo chỉ định của bác sĩ:

+ Thuốc ức chế thần kinh trung ương làm giảm cơn ho.

+ Thuốc ngậm giảm kích thích.

2.2.2. Nguyên nhân ho do viêm nhiễm, sử dụng các thuốc sau theo chỉ định của bác sĩ:

+ Dùng thuốc kháng sinh và/hoặc kháng viêm steroid đường uống và/hoặc đường hít – xịt.

+ Thuốc làm loãng đờm, tránh bám dính của dịch tiết trên biểu mô đường hô hấp, loại bỏ điều kiện phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Thuốc ho long đờm hay thuốc tiêu chất nhầy được sử dụng để làm long tiết dịch từ niêm mạc phế quản, khí quản. Thuốc có tác dụng làm thay đổi cấu trúc, giảm độ quánh nhớt của đờm nhầy, từ đó khiến đờm có thể tống ra khỏi đường hô hấp bằng hành động khạc nhổ hoặc thông qua hệ thống lông chuyển.

Nhóm thuốc long đờm bao gồm các loại sau: Eprazinon, carbocystein, bromhexin, acetylcystein, ambroxol...

2. 3. Nhập viện điều trị 

Nếu trong trường hợp bác sĩ xác định có tổn thương đường hô hấp nặng hoặc theo dõi mà người bệnh không đáp ứng với các phương pháp điều trị bằng đường uống.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hậu COVID- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng.

PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào
Bộ môn Tai Mũi Họng Trường Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn