Tại sao 2 phi hành gia Boeing bị mắc kẹt trong không gian?

28-06-2024 11:40 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 27/6, trong một chuỗi sự cố đáng tiếc với tàu vũ trụ mới Boeing CST-100 Starliner, 2 phi hành gia NASA đã buộc phải ở lại Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) sau chuyến trở về từ không gian bị trì hoãn.

Suni Williams và Butch Wilmore, 2 phi hành gia dày dạn kinh nghiệm, đang đối mặt với những thách thức mới khi phải chờ đợi giải pháp từ mặt đất.

Tại sao 2 phi hành gia Boeing bị mắc kẹt trong không gian?- Ảnh 1.

Sunita Williams (phía trước bên trái) và Butch Wilmore (phía trước bên phải) tạo dáng cùng các phi hành gia khác khi họ vào ISS vào ngày 6/6. (Nguồn: NASA)

Ban đầu, Williams và Wilmore dự kiến sẽ trở về Trái Đất vào ngày 13/6 trên chuyến tàu Starliner từ Trạm Không gian Cape Canaveral khởi hành ngày 5/6.

Tuy nhiên, ngay từ trước khi phóng, tàu Starliner đã vấp phải hàng loạt trục trặc, bao gồm sự cố nghiêm trọng về hệ thống máy tính điều khiển mặt đất, buộc NASA phải hủy bỏ kế hoạch phóng dự kiến vào ngày 1/6.

Trong hành trình kéo dài 25 giờ tới ISS, Starliner tiếp tục gặp phải các vụ rò rỉ khí heli và bộ đẩy bị trục trặc. Khi tàu Starliner cố gắng cập bến ISS vào ngày 6/6, thêm 5 trong số 28 động cơ đẩy bị trục trặc khiến việc đến nơi của con tàu bị trì hoãn.

Tại sao 2 phi hành gia Boeing bị mắc kẹt trong không gian?- Ảnh 2.

Sau một loạt sự chậm trễ, tên lửa Atlas V của United Launch Alliance mang theo tàu vũ trụ CST-100 Starliner của Boeing đã phóng từ Trạm Lực lượng Không gian Cape Canaveral, ngày 5/6. (Nguồn: Getty Images)

Theo đại diện của Boeing, 4 trong số 5 máy đẩy bị trục trặc đã hoạt động bình thường trở lại, chỉ còn 1 máy đẩy hiện đang ngoại tuyến, và điều này không gây ảnh hưởng lớn đến hành trình trở về.

2 phi hành gia bị mắc kẹt là ai?

Suni Williams là một phi hành gia và sĩ quan Hải quân Mỹ, gia nhập NASA vào năm 1998. Với tổng cộng 322 ngày trong không gian, Williams đã lập kỷ lục về chuyến bay vũ trụ dài nhất của 1 người phụ nữ và 7 lần đi bộ ngoài không gian.

Cô cũng là một trong những phi hành gia đầu tiên được chọn đào tạo cho Chương trình Phi hành đoàn Thương mại của NASA vào năm 2015.

Butch Wilmore cũng là một phi hành gia dày dạn kinh nghiệm. Chuyến bay vũ trụ đầu tiên của ông là trên tàu con thoi Atlantis (STS-129) vào tháng 11/2009. Wilmore từng là kỹ sư bay cho Expedition 41 và chỉ huy của Expedition 42, nơi ông nghiên cứu các tác động của không gian lên cơ thể con người và sự phát triển của thực vật.

Tận dụng thời gian các phi hành gia có mặt trên ISS, NASA và Boeing đang tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng hơn về các vấn đề liên quan đến hệ thống động cơ đẩy của tàu Starliner.

Theo kỹ sư hàng không Steven Hirshorn của NASA, nguyên nhân trục trặc bắt nguồn từ mô-đun của tàu vũ trụ, vốn sẽ bị loại bỏ và cháy rụi trong quá trình tái nhập Trái Đất. Do đó, việc phân tích lỗi chi tiết chỉ có thể thực hiện khi những sự cố này xảy ra trong môi trường vũ trụ.

Theo NASA, tàu Starliner có thể kết nối với ISS trong tối đa 45 ngày hoặc lên đến 72 ngày nếu sử dụng hệ thống dự phòng.

NASA dự kiến sẽ đưa hai phi hành gia trở về vào đầu tháng 7, sau khi hoàn tất việc điều tra các vấn đề với hệ thống đẩy.

Steve Stich, quản lý Chương trình Phi hành đoàn Thương mại của NASA, nhấn mạnh rằng NASA đang tuân thủ quy trình quản lý sứ mệnh tiêu chuẩn và để dữ liệu thúc đẩy các quyết định liên quan đến việc trở về của phi hành đoàn.

Người dân kiện NASA đòi bồi thường vì bị rác vũ trụ đâm thủng mái nhàNgười dân kiện NASA đòi bồi thường vì bị rác vũ trụ đâm thủng mái nhà

SKĐS - Ngày 20/6, NASA đã phải đối mặt với yêu cầu bồi thường hơn 80.000 USD (khoảng 2 tỷ đồng) khi một mảnh rác vũ trụ rơi xuống nhà dân ở bang Florida, Mỹ.


Xuân Minh
(Tổng hợp)
Ý kiến của bạn