Tài sản người dân được huy động chữa cháy được bồi thường thế nào?

18-04-2025 06:44 | Pháp luật
google news

SKĐS - Từ 1/7, trường hợp tài sản được huy động để thực hiện phòng cháy chữa cháy bị mất, hư hỏng, bị thiệt hại do việc huy động trực tiếp gây ra thì được bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.

Vừa qua, cử tri Hải Phòng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành quy định cụ thể về xử lý đối với các trường hợp, các cơ sở vi phạm về phòng cháy, chữa cháy chấp nhận nộp phạt nhưng không chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động; đồng thời rà soát, điều chỉnh, sửa đổi quy định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trong Luật Phòng cháy và chữa cháy để thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính. 

Cùng với đó, ban hành quy định về mức hỗ trợ, bồi thường đối với các trường hợp huy động tài sản, phương tiện của người dân, cơ quan, doanh nghiệp tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ mà bị thiệt hại.

Tài sản người dân được huy động chữa cháy được bồi thường thế nào?- Ảnh 1.

Từ 1/7, trường hợp tài sản được huy động để phòng cháy chữa cháy bị mất, hư hỏng, bị thiệt hại do việc huy động trực tiếp gây ra thì được bồi thường. Ảnh minh họa

Liên quan đến vấn đề trên, Bộ Công an cho biết, đối với các trường hợp cơ sở vi phạm về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã chấp hành quyết định xử phạt nhưng không chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động thì các cơ sở này tiếp tục bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi.

Mức phạt "Không chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về PCCC" với mức phạt từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với quy định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động cơ sở vi phạm, Luật PCCC và CNCH (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025) đã bỏ quy định liên quan đến tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động để thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (chỉ có hình thức đình chỉ hoạt động có thời hạn theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020).

Về quy định mức hỗ trợ, bồi thường đối với các trường hợp huy động tài sản, phương tiện của người dân, cơ quan, doanh nghiệp tham gia chữa cháy, CNCH mà bị thiệt hại, theo quy định Luật PCCC năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013), người chỉ huy chữa cháy có quyền "Quyết định phá dỡ nhà, công trình, vật chướng ngại và di chuyển tài sản trong tình thế cấp thiết để cứu người, ngăn chặn nguy cơ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng". 

Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện hành không có quy định hỗ trợ, bồi thường người dân, cơ quan, doanh nghiệp trong trường hợp tài sản, phương tiện được huy động tham gia chữa cháy, CNCH bị thiệt hại. 

Do đó, Luật PCCC và CNCH (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025) đã bổ sung quy định, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được huy động tham gia chữa cháy phải được hoàn trả ngay sau khi kết thúc chữa cháy; trường hợp bị mất, hư hỏng, bị thiệt hại do việc huy động trực tiếp gây ra thì được bồi thường. 

Người có thẩm quyền quyết định huy động có trách nhiệm thực hiện việc bồi thường. Mức bồi thường và việc chi trả bồi thường được thực hiện như đối với người có tài sản trưng dụng theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản (Điều 26).

Xem thêm video được quan tâm:

Đề nghị đánh thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở | SKĐS


Minh Ngọc
Ý kiến của bạn