Hà Nội

Tài sản công tiếp tục bị thất thoát

16-03-2009 17:09 | Thời sự
google news

Sau nhiều năm che giấu, những khuất tất trong quá trình định giá 9 dự án xây dựng để chuyển đổi mô hình từ Công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 thành Công ty cổ phần Bình Phú đã bùng ra.

Sau nhiều năm che giấu, những khuất tất trong quá trình định giá 9 dự án xây dựng để chuyển đổi mô hình từ Công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 thành Công ty cổ phần Bình Phú đã bùng ra. Đích thân ông Phạm Hữu Kiệt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bình Phú, vào ngày 15/11/2008, đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng để tố cáo về những sai phạm này. Sau khi xem xét, ngày 19/1/2009, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Trung Tín, đã có văn bản số 265/UBND-CNN, đề nghị làm rõ những sai phạm này.

Thất thoát hàng trăm tỷ đồng

Trong nội dung đơn gửi UBND TP.HCM, ông Phạm Hữu Kiệt cho biết: Ngày 30/6/2005, Công ty Xây dựng và Phát triển quận 6 tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp để tiến hành cổ phần hóa thành Công ty cổ phần Bình Phú. Đã có 9 dự án được định giá trên sổ sách chứ không theo giá thị trường nên gây thất thoát cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. 

Khu tái định cư phía Nam đường Lý Chiêu Hoàng chỉ được định giá vỏn vẹn 129,3 triệu đồng, tính ra chưa bằng giá trị một nền đất. 

Đó là dự án khu dân cư Hiệp Bình Phước (87,4 tỷ đồng); dự án khu dân cư rộng 4,8 ha tại quận 6 (13,3 tỷ đồng); chung cư Gia Phú (6,3 tỷ đồng); chung cư An Dương Vương (1,9 tỷ đồng); các công trình của Xí nghiệp xây lắp Bình Tây (1,6 tỷ đồng); dự án khu Ruột Ngựa (1,08 tỷ đồng); dự án khu nhà ở số 1 phía Nam đường Lý Chiêu Hoàng (953,7 triệu đồng); chung cư đường số 26 (380,7 triệu đồng). “Bèo bọt” nhất là khu tái định cư Nam Lý Chiêu Hoàng chỉ được định giá vỏn vẹn 129,3 triệu đồng, tính ra chưa bằng giá trị một nền đất. Vì được định giá “trên giấy” nên đến thời điểm tháng 9/2007, giá trị của 9 dự án này chỉ là 104 tỷ đồng. 

Theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, thì giá trị đất của 9 dự án trên phải được định giá theo mục đích sử dụng đất là đất ở, theo giá thị trường thời điểm chuyển đổi sang công ty cổ phần, để đưa vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Tuy nhiên, nội dung này lại được ông Lê Văn Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bình Phú, chỉ đạo tại thông báo số 06/TB-HĐQT, ngày 9/10/2008 là không đánh giá lại các sản phẩm dở dang (tức 9 dự án này).

Do có sự chỉ đạo này, nên dù bản thân ông Kiệt biết việc định giá tài sản này là không đúng quy định của pháp luật nhưng cũng đành bất lực. Theo ông Kiệt, chỉ tính 8 dự án (không tính dự án Hiệp Bình Phước), thì giá trị còn lại trên sổ sách là hơn 25 tỷ đồng. Còn nếu cộng thêm giá trị phát sinh, thì tổng giá trị các dự án dở dang này là khoảng 104 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu đánh giá lại các khu đất này sát giá thị trường vào thời điểm tháng 9/2007, thì tổng giá trị có thể lên tới 528 tỷ đồng.

Vì vậy, ông Kiệt khẳng định, nếu trừ đi giá trị theo sổ sách và các chi phí khác đầu tư cơ sở hạ tầng là khoảng 128 tỷ đồng, thì phần chênh lệch giá trị đất là 296 tỷ đồng. Do vậy, nếu lãnh đạo Công ty cổ phần Bình Phú bỏ qua, không định giá lại giá trị quyền sử dụng đất thì có khả năng dẫn đến vốn Nhà nước bị thất thoát khoảng 296 tỷ đồng. Đây là một sai phạm nghiêm trọng, cần được làm rõ.

Như vậy sau những khuất tất trong việc chuyển đổi chợ Bình Phú rộng 18.400m2 từ tài sản Nhà nước sang tay tư nhân (báo Sức khỏe và Đời sống đã phản ánh), thì những sai phạm trong định giá 9 dự án của Công ty cổ phần Bình Phú đã làm dư luận giật mình về những thất thoát quá lớn của tài sản công.

Làm rõ những sai phạm

Thực tế đã chứng minh những nội dung tố cáo của ông Kiệt là có cơ sở vì chỉ với dự án khu dân cư Hiệp Bình Phước, tuy được định giá vốn theo sổ sách là 87,4 tỷ đồng, cộng chi phí phát sinh khoảng 13 tỷ đồng; nhưng Công ty cổ phần Bình Phú đã thu được 145 tỷ đồng với giá giao dịch thực tế ngoài thị trường sau khi đã cổ phần hóa.

Nhận định về việc cổ phần hóa tại Công ty cổ phần Bình Phú, luật sư Nguyễn Văn Quynh, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng: Quy định của pháp luật liên quan đến chính sách cổ phần hóa thì những phần diện tích đất của 9 dự án nêu trên phải xác định theo đúng mục đích sử dụng đất ở theo giá thị trường thời điểm đưa vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Cụ thể, Điều 19, Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ đã quy định rõ: Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa lựa chọn hình thức giao đất thì phải tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Giá trị quyền sử dụng đất này là giá do UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định sát với giá chứng nhận quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường và công bố vào ngày 01/01 hằng năm theo quy định của Chính phủ. Vì vậy, nếu giá trị đất của các dự án được Ban Giám đốc Công ty cổ phần Bình Phú tính trên sổ sách là trái với quy định của pháp luật.

Những vấn đề này cũng đã được Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Trung Tín, ngày 19/1/2009 chỉ đạo làm rõ tại văn bản số 265/UBND-CNN. Văn bản này nêu rõ: Ngày 15/11/2008, ông Phạm Hữu Kiệt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần - đầu tư Bình Phú, đã có tờ tường trình về việc phát hiện một số tồn tại tài chính cần phải giải quyết, khi quyết toán giai đoạn nhà nước. Vì vậy UBND TP. HCM giao Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn có trách nhiệm chỉ đạo tổ nghiệp vụ tiến hành kiểm tra, rà soát và đề xuất hướng xử lý. Ngoài ra, ông Nguyễn Trung Tín cũng giao Sở Tài chính chỉ đạo Chi cục Tài chính doanh nghiệp thành phố theo dõi, đôn đốc thực hiện quyết toán giai đoạn nhà nước tại Công ty xây dựng và phát triển kinh tế quận 6, trên cơ sở so sánh với số liệu trong tờ trình của ông Phạm Hữu Kiệt - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Bình Phú, để xác định sai sót (nếu có), báo cáo đề xuất vê Thường trực UBND TP. HCM.


Ý kiến của bạn