Tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ những khó khăn của ngành y tế trong công tác dự phòng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tình trạng quá tải ở nhiều bệnh viện và những trọng tâm cần giải quyết trong thời gian tới.
Vấn đề dự phòng là cấp bách
Nhóm giải pháp thứ nhất cho ngành y tế được Thủ tướng đặc biệt nhắc đến đó là việc tăng cường công tác y tế dự phòng.
Đây là điểm mấu chốt mà ngành y tế đang phải đối mặt. Trong khi diễn biến dịch bệnh cả trong và ngoài nước đang đe doạ trực tiếp đến sức khoẻ và cả tính mạng của nhân dân, việc tập trung ngăn chặn có hiệu quả các bệnh dịch nguy hiểm, các bệnh mới và đang lây lan như sốt xuất huyết, cúm A/H1N1, cúm A/H5N1... hạn chế tối đa tỷ lệ mắc bệnh và tử vong đang được coi là nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay. Tiến tới loại trừ và thanh toán một số bệnh truyền nhiễm phổ biến, giảm thiểu các nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm và các bệnh liên quan tới môi trường sống.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội. |
Để làm được điều này, Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết, phải làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của y tế dự phòng và trách nhiệm thực hiện của các cấp, các ngành, của cộng đồng và mỗi người dân. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và các chính sách về phát triển y tế dự phòng; triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đẩy mạnh Chương trình tiêm chủng mở rộng; kiện toàn về tổ chức và nhân lực, tăng cường cơ sở vật chất của mạng lưới y tế dự phòng các cấp.
Giải quyết quá tải BV
Nhóm giải pháp thứ hai thuộc lĩnh vực điều trị đó là việc giải quyết tình trạng quá tải BV, nhất là ở các BV tuyến tỉnh và TW cũng được Thủ tướng quan tâm và giải đáp những vấn đề còn khúc mắc được các ĐBQH chất vấn. Theo đó, hai Đề án số 47/2008/QĐ-TTg và số 930/2009/QĐ-TTg về đầu tư, xây dựng, cải tạo nâng cấp BV huyện, BVĐKKV liên huyện và các BV chuyên khoa lao, tâm thần, nhi, ung bướu và một số BVĐK tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được coi là một hướng đi mở cho ngành y tế. Với việc thực hiện 2 đề án này, sau năm 2010, cả nước sẽ có 621 BV huyện và BVĐKKV liên huyện; sau năm 2013 sẽ có 55 BV lao; 40 BV và trung tâm tâm thần; 33 BV nhi, sản nhi; 9 BV, trung tâm ung bướu; 7 khoa ung bướu thuộc các BV TW; 78 BVĐK tuyến tỉnh và TW. Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới QG cũng sẽ được cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, đến nay, ngân sách đã bố trí 8.750 tỷ đồng để thực hiện 2 Đề án trên và sẽ tiếp tục bố trí theo tiến độ. Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng và các địa phương tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đúng quy định, sớm đưa các công trình này vào sử dụng. Trên cơ sở quy hoạch phát triển mạng lưới khám chữa bệnh, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là khám chữa bệnh có kỹ thuật cao.
Đồng thời với các giải pháp cơ bản trên, cơ quan chức năng của Chính phủ, cụ thể là Bộ Y tế sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp “nóng” để giảm tải, giảm bệnh nhân nằm ghép giường như: thu xếp để tăng diện tích cho khu điều trị, tăng cường điều trị ngoại trú; phát triển và nhân rộng mô hình dự án BV vệ tinh; tiếp tục cử cán bộ từ tuyến trên luân phiên hỗ trợ có hiệu quả các BV tuyến dưới; tổ chức hợp tác liên thông BV giữa các ngành, giữa công lập và ngoài công lập... Đây là những việc mà toàn ngành y tế đang nỗ lực thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tăng đầu tư cho y tế sẽ góp phần nâng cao chất lượng KCB. Ảnh: ĐA |
Khẩn trương hoàn chỉnh hệ thống chính sách về ATVSTP
Đối với vấn đề ATVSTP, Thủ tướng nhìn nhận, đây vẫn đang là vấn đề gây nhiều bức xúc trong xã hội. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ khẩn trương hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm ATVSTP, trong đó có Luật ATTP. Bên cạnh đó, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng ATVSTP, tăng cường cán bộ và phương tiện, phân công rõ trách nhiệm của từng ngành trong quản lý, kiểm soát các công đoạn của quá trình sản xuất, lưu thông, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là tăng cường trách nhiệm và hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương trong việc chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm. Đồng thời, Nhà nước có chính sách khuyến khích thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất thực phẩm an toàn gắn với quy hoạch hệ thống thương mại, bán lẻ, giết mổ và kiểm soát nhập khẩu thực phẩm. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSTP nhất là trách nhiệm, ý thức của người sản xuất kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực này.
Hạ Hiền