Tái phát dịch tả lợn châu Phi ở một số nơi, Hà Nội lên phương án ứng phó

21-05-2019 15:38 | Thời sự
google news

SKĐS - Trước những diễn biến phức tạp, khó lường và gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, đặc biệt là việc tái phát dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội vừa ban hành Công văn số 161/CNTY-QLDB, yêu cầu các trạm chăn nuôi và thú y quận, huyện, thị xã tăng cường phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Công văn nêu rõ, theo thông tin một số cơ quan báo chí đã nêu, thời gian gần đây trên địa bàn một số huyện đang có bệnh dịch tả lợn châu Phi có phát hiện trường hợp lợn chết trôi nổi trên sông, kênh, mương, ao hồ, bãi rác... Để ngăn chặn các trường hợp trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội yêu cầu các đơn vị thực hiện một số nội dung: Chủ động tham mưu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vứt xác lợn ra môi trường trên địa bàn.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Nhân viên kỹ thuật chăn nuôi - thú y cấp xã: Tăng cường, chủ động giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn ln thuộc địa bàn quản lý để phát hiện dịch bệnh sớm, báo cáo kịp thời cho chính quyền địa phương và trạm chăn nuôi và thú y để có biện pháp xử lý, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Hằng ngày, kiếm tra các bãi rác, kênh, mương, sông, ngòi, nơi công cộng... kịp thời phát hiện xác lợn trôi nổi tại sông, kênh, mương, lợn chết vứt tại các bãi rác, nơi công cộng... báo cáo kịp thời chính quyền địa phương để xử lý ngay.

Lợn chết vì dịch tả lợn châu Phi (Ảnh minh họa)

Trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội xuất hiện những con lợn mắc bệnh, đặc biệt đây là những khu vực đã công bố hết dịch. Chỉ sau chưa đầy 2 tháng kể từ khi công bố hết dịch tại Long Biên, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ngay tại đây. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ cuối tháng 4/2019 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan với tốc độ nhanh hơn thời điểm mới phát hiện hồi tháng 2/2019.

Theo báo cáo, đến nay  tại Hà Nội,  24/ 24 quận, huyện, thị xã đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi; làm mắc bệnh và tiêu hủy 147.733 con lợn (chiếm khoảng 7,9% tổng đàn lợn toàn thành phố).. Trong đó, một số huyện có lợn bị mắc bệnh dịch nhiều, như: Sóc Sơn, số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 37.047 con; Đông Anh, số lợn tiêu hủy 14.525 con; Phú Xuyên, số lợn mắc bệnh và tiêu hủy 10.617 con.

Đáng chú ý, thời gian qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng, ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn (kể cả ở một số hộ có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tốt hơn), cụ thể: Từ ngày 24/2 đến 31/3/2019: Dịch bệnh xảy ra tại 127 hộ ở 62 thôn, tổ dân phố của 34 xã, phường thuộc 12 quận, huyện; dịch bệnh xảy ra chủ yếu ở quy mô dưới 50 con; làm mắc bệnh, tiêu hủy 2.324 con lợn. Tuy nhiên, từ ngày 1/5 đến nay, dịch bệnh tiếp tục phát sinh mạnh và ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn; trong 17 ngày qua, dịch bệnh đã phát sinh thêm 6.074 hộ ở 736 thôn của 133 xã với tổng số lợn phải tiêu hủy là 96.505 con. Bình quân, giai đoạn này, mỗi ngày phát sinh 357 hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, buộc phải tiêu hủy 5.677 con lợn.

Tính đến nay, cả nước đã có 34 tỉnh, thành phố bị bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng đàn lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh, nghi mắc bệnh là trên 1,5 triệu con (chiếm khoảng 5% tổng đàn lợn cả nước). Một số địa phương có tổng đàn lợn bị tiêu hủy lớn là: Thái Bình hơn 300.000 con, Hải Dương 188.000 con, Hải Phòng 124.000 con, Hưng Yên 123.000 con, Bắc Ninh 104.000 con…

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nguyên nhân chính khiến từ cuối tháng 4/2019 đến nay, dịch tả lợn châu Phi lây lan với tốc độ nhanh hơn là thời tiết khí hậu. Thời điểm này, cả ba miền Bắc - Trung - Nam đều có mưa phùn và đây là điều kiện thuận lợi để vi rút gây dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh hơn.

Bên cạnh điều kiện thời tiết, vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng có sức đề kháng rất cao, có thể tồn tại lâu bên ngoài môi trường, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo. Dịch bệnh lây lan nhanh cũng do đường lây truyền phức tạp, nhất là trong điều kiện chăn nuôi, vệ sinh thú y và an toàn sinh học không tốt…


HY
Ý kiến của bạn