Tài năng, tài năng lớn, tài năng đích thực luôn luôn có những người hâm mộ đích thực. Trong giới văn học nghệ thuật Lưu Quang Vũ là một nhân vật như thế, nhất là trong lĩnh vực kịch nghệ nước nhà. Sự ra đi đột ngột cùng lúc của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nữ sĩ Xuân Quỳnh và người con trai thân yêu Lưu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi của hai vợ chồng nhà văn chiều ngày 29/8/1988 bởi tai nạn giao thông bất ngờ bên cầu Phú Lương tỉnh Hải Dương, đã gây chấn động xã hội, nhất là giới sân khấu và những người yêu sân khấu bấy giờ... 20 năm đã qua, nay cùng hồi nhớ, cảm nhận về sự ra đi đột ngột của nhà viết kịch tài năng ấy...
Những ngôi sao không cô đơn...
Lưu Quang Vũ chính thức bước vào làng kịch năm 1978 với tác phẩm Sống mãi tuổi 17 viết về anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng, lúc đó Vũ tròn 30 tuổi. Sự thành công của vở do Nhà hát Tuổi Trẻ trình diễn đã hối thúc Vũ cuốn vào kịch trường đến say cuồng, đến mê mải. Nhà văn trẻ khi ấy nhận thấy, không phải thơ văn, mà chỉ có sân khấu mới đến được với đông đảo công chúng, trực tiếp nhất, mạnh mẽ nhất, hữu dụng nhất. Đây là bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của anh. Và chỉ trong 10 năm, Vũ đã có tới hơn 50 kịch phẩm, trong đó không ít vở diễn đã thu hút sự cuồng nhiệt của người xem cả nước, thành "hiện tượng Lưu Quang Vũ" sôi động suốt thập niên 80 thế kỷ trước.
Tang lễ của hai nhà văn và cháu Quỳnh Thơ có lẽ là đám tang nghệ sĩ lớn nhất ở Hà Nội vào những năm ấy.
Trên báo chí những ngày sau đó liên tiếp đăng tải những bài viết tỉnh táo mà bồi hồi xúc động. Nhà thơ Anh Ngọc nhận định về Lưu Quang Vũ trên báo Thể thao - Văn hóa: Đó là nhà thơ tràn đầy mẫn cảm, đằm thắm, tha thiết đến ngọt lịm. Ta có cảm giác như Lưu Quang Vũ viết rất dễ dàng, tình cảm cứ mặc sức tuôn ra đầu ngọn bút. Thơ Lưu Quang Vũ là thứ thơ không chịu gò bó trong cấu trúc, cấu tứ. Chính sức chảy ào ạt của giọng tình cảm đã phá vỡ mọi khuôn khổ khiến thơ anh có sức lôi cuốn mạnh mẽ... Tiếp đó Anh Ngọc đánh giá về một Lưu Quang Vũ viết kịch: Việc anh chiếm lĩnh sân khấu tuyệt đối trong những năm vừa qua, không có cách lý giải nào hơn là ghi nhận anh là một tài năng lớn về sân khấu. Báo Tuổi Trẻ chủ nhật 4/9/1988 đăng trang giữa cùng lúc hai bài viết của Nguyễn Thị Ngọc Trâm và Lưu Trọng Văn. Nhà thơ Ngọc Trâm bộc lộ chân thành: Lưu Quang Vũ viết như một hiệp sĩ trên lưng ngựa giữa trường đua với tốc độ riêng của mình. Càng viết càng tỉnh táo, càng ngẩng cao đầu, luôn luôn gây bất ngờ cho đồng nghiệp và khán giả. Còn Lưu Trọng Văn bàng hoàng thốt lên: Từ nay nền sân khấu Việt Nam mất một nhà viết kịch trẻ xông xáo và tài năng. Tôi ngơ ngẩn, tôi ngơ ngác, hốt hoảng thấy rằng cái mất kia quả thật lớn lao... Không những mất đi một con người mà còn mất những gì mà mọi người hy vọng ở con người đó... Nhà thơ Nguyễn Duy viết trên Tuần tin Thanh Niên: Thế hệ tuổi 40 chúng tôi mất nguyên một cặp bạn thơ và đất nước mất nguyên một cặp người thơ sức sáng tạo đang tràn đầy, tài năng đang độ chín...
Vang hưởng mãi những hình tượng
Lưu Quang Vũ đi xa đã 20 năm, nhưng anh vẫn là "người trong cõi nhớ" của đông đảo công chúng và bạn nghề. Nhiều bài nghiên cứu, tập sách, nhiều luận văn thạc sĩ, tiến sĩ đã đề cập "hiện tượng Lưu Quang Vũ". Nhiều bài thơ, bản nhạc sáng tác về anh. Tôi ấn tượng với bài thơ Không đề của nhà thơ Định Hải viết ngay trong ngày tang lễ : Thế là hết những dòng thơ ngọt đắng/ Thế là buông màn kịch ngắn bi hài/ Thế là tan giọt hy vọng tương lai... Để lại thế gian biển sóng vật vã/ Gửi lại mai sau bóng lặng hậu trường/ Gửi tới vô cùng trang giấy trắng nguyên...
Và thật bất ngờ tôi bắt gặp truyện ngắn Người đánh dậm đồng chiêm của nhà văn nổi tiếng Ma Văn Kháng, viết năm 1999 về cái chết của nhà viết kịch, tên trong truyện là Quảng. Truyện tái tạo hiện thực gần giống với tai nạn bất ngờ bên cầu Phú Lương năm nào với Quỳnh - Vũ. Ma Văn Kháng viết với tấm lòng ái mộ, trân trọng không hề giấu giếm, và đau đáu những nỗi niềm về lẽ sống, đời nguời... Nhân vật Hội, người gác barie ở cây cầu nơi làng quê ấy, một người hâm mộ các vở diễn của nhà viết kịch các đoàn nghệ thuật về diễn ở sân khấu ngoài trời quê anh, bất ngờ anh gặp trong buổi chiều bên sông quê. Ngưỡng mộ và yêu quý bởi sự lịch lãm, thân tình của nhà viết kịch chứ không xa cách kiêu điệu như Hội mường tượng về các nhân vật nổi tiếng. Khi tận mắt nhìn thấy cái chết đột ngột của nhà viết kịch đã vừa khóc vừa lao tới "chộp lấy cổ áo tên lái xe" vô trách nhiệm hét lạc cả giọng "Mày có biết mày đã giết hại ai không? Mày đã giết hại một thiên tài!". Dường không kìm được lòng mình, nhà văn đã viết những dòng cảm thán: Cái chết của nhà viết kịch thiên tài cùng vợ ông như cái barie chắn ngang để thời hiện tại không trôi đi, không biến mất, để con người đứng lại, nhận ra nỗi đau và cùng suy ngẫm..
Nhiều vở diễn nặng màu sắc tuyên truyền nổi như cồn, ồn ào dư luận một thời điểm, một thời đoạn, nhưng rồi mất hút trong quên lãng của thời gian. Nhưng khá nhiều kịch bản của Vũ vẫn đi cùng năm tháng, như: Hẹn ngày trở lại, Nguồn sáng trong đời, Tin ở hoa hồng, Bệnh sĩ, Ông không phải bố tôi, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Vụ án hai ngàn ngày, Điều không thể mất... Các nhà hát danh tiếng ở Hà Nội, TP. HCM và các địa phương trong cả nước dàn dựng, trình diễn. Những thông điệp nồng nàn hơi thở đời sống, nóng hổi tính thời sự.
Cảnh trong vở Tôi và chúng ta. |
Hai mươi năm qua, đất nước đã bước sang thế kỷ mới đầy biến động. Tư duy đổi mới mạnh mẽ, dựng xây, hội nhập và phát triển, đi ra biển lớn chứ không loay hoay với chiếc thuyền thúng nơi ao nhà. Chân trời hy vọng sáng lạn đang rộng mở. Nhưng cái xã hội tiêu thụ, mặt trái kinh tế thị trường cũng đã nảy sinh bao cảnh trái ngang, đau lòng, xuất hiện bao nhiêu kẻ tham nhũng lớn, tham nhũng vặt, là thứ "giặc nội xâm" đang làm băng hoại đạo đức truyền thống tốt đẹp của người Việt chúng ta, đang làm nghèo đất nước. Chưa bao giờ hiện thực đời sống "cuốn theo chiều gió" với vận tốc chóng mặt, đa dạng, phong phú, đầy kịch tính trước như hôm nay. Vậy mà sân khấu dường như vẫn "bình tâm" đi bên cạnh cuộc đời, "dửng dưng không một cảm tình chi" (!?). Nếu Vũ còn sống... Khán giả và bạn nghề càng thấy sự ra đi của nhà viết kịch ấy hẫng hụt đến chừng nào, là khoảng trống không thể bù đắp.
Trái tim cháy lửa trách nhiệm cao cả Công dân - Nghệ sĩ với đất nước mình, nhân dân mình, tố chất thông minh thiên bẩm cùng sự lao động say đắm hết mình cho sân khấu, đã làm nên tài năng lớn mang tên Lưu Quang Vũ. Một tài năng lớn, tài năng đích thực đã dâng hiến tất cả cuộc đời sáng tạo nghệ thuật rực rỡ nhất cho đất nước, cho nhân dân. Chính vì thế Lưu Quang Vũ đã có đông đảo người hâm mộ, những người hâm mộ đích thực. Trước kia và ngay cả hôm nay...
Vũ ơi, bao giờ kịch trường mới trở về thời sân khấu như hồi còn Vũ, có một tác giả như Vũ cho sân khấu lấp lánh muôn mặt, dồi dào sức sống, có lớp người hâm mộ như những người đã hâm mộ Lưu Quang Vũ?
Hà Nội, 18/8/2008
NSƯT Vũ Hà