“Tài năng người Việt không kém, nhưng tầm vóc quá yếu và nhỏ bé”

10-11-2014 09:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Đó là lời chia sẻ của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT về vai trò của đề án Sữa học đường giúp phát triển trí tuệ, thể lực trẻ.

Tại sao người Nhật hết lùn?

Theo công bố mới nhất của một chuyên gia dinh dưỡng cho biết, chiều cao trung bình của Việt Nam chỉ đạt 163,7cm (nam) và 153 cm (nữ) thấp hơn tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới lần lượt là 13,1cm và 10,7 cm.

Nghe thông tin này, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) Trần Xuân Nhĩ xót xa: “Tôi buồn chứ. Không phải tôi mà tất cả công dân Việt cảm thấy buồn khi chiều cao trung bình của dân nước mình thấp hơn các nước, thấp hơn tiêu chuẩn. Ai cũng muốn cao lớn, khỏe mạnh để học tập, làm việc, chơi thể thao. Buồn nhất là khi xem bóng đá, tôi thấy các cầu thủ mình đứng cạnh họ nhỏ bé quá. Nếu to cao, thể lực tốt sẽ có thể dành chiến thắng”.

Ông cho biết thêm, theo báo cáo mới đây chiều cao trung bình của nam thanh niên Nhật Bản đã lên đến mức 1,715 m, Hàn Quốc là 1,739 m.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

Ông đặt câu hỏi: “Lâu nay chúng ta cứ nói người Nhật thấp, nhưng giờ có thấp đâu. Tại sao lại vậy? Vì họ quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng đặc biệt là đứa trẻ”. Và theo ông, sữa giàu chất canxi, chất đạm rất cần thiết cho sự phát triển chiều cao, trí tuệ của trẻ, đặc biệt là lứa tuổi mầm non, tiểu học. Đây là giai đoạn để tác động tốt nhất để trẻ phát triển kịp thời, đầy đủ.

Gần đây, đề án Sữa học đường được đưa ra và sẽ được thực hiện để mang ly sữa đến cho trẻ. Ông đánh giá: “Đề án này đáng hoan nghênh nhưng cũng cần có phải có kế hoạch cụ thể trước khi thực hiện. Trên thực tế, những gia đình cho con uống sữa, bản thân ở nhà tôi các cháu đang học mầm non, tiểu học thậm chí là cấp 3 vẫn uống 250ml sữa hàng ngày và kết quả các cháu cao lớn, khỏe mạnh”.

Trước những băn khoăn về kinh phí, tính khả thi khi thực hiện đề án sữa học đường, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: “Tôi đánh giá cao nhưng tôi trăn trở làm sao phủ kín được miền núi, vùng sâu vùng xa… Chúng ta có khoảng 6 triệu học sinh tiểu học và tôi muốn tất cả các em đều phải được hưởng. Để làm được điều đó, chúng ta cần có chế độ xã hội hóa”.

Cụ thể, theo ý kiến của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ thì Việt Nam có thể hỗ trợ cho những người nghèo, khó khăn để đạt đích mỗi ngày các em có một cốc sữa ở trường, có thể 20% em được hỗ trợ hoàn toàn, 30% hỗ trợ 1 nửa còn 50% gia đình các em sẽ chi tiền mua hoàn toàn.

Ví dụ, mỗi ngày cha mẹ đóng 5.000 đồng để các em uống 1 cốc sữa ở trường, đối với gia đình khó khăn mình hỗ trợ hoặc miễn phí hoàn toàn. Đặc biệt là trẻ em ở khu vực miền núi thì nhà nước phải hỗ trợ toàn bộ, chuyển số sữa đó lên trên để thể hiện sự bình đẳng.

“Tôi ước tất cả trẻ em Việt Nam đều có sữa để uống hàng ngày. Tôi tin nếu mọi đứa trẻ uống sữa hàng ngày sẽ cao hơn và khỏe mạnh hơn”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ khẳng định.

Cần đưa ra một Quy chuẩn Quốc gia về sữa học đường

Với cương vị nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, ông cho rằng để đưa đề án này vào nhà trường cần phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể. Trong đó khâu quan trọng nhất và đầu tiên là tuyên truyền cho nhà trường, phụ huynh về vai trò quan trọng của sữa đối với sự phát triển của trẻ.

Theo ông Nhĩ, cần đưa ra một Quy chuẩn Quốc gia về sữa học đường để tránh sự lợi dụng đưa sản phẩm sữa không đạt chất lượng vào trường cho học sinh sử dụng. Chính vì thế cần có sự giám sát chặt chẽ ở tất cả các khâu.

“Đơn vị quản lý sữa của nhà nước nên đưa ra tiêu chuẩn thống nhất thế nào là sữa đủ chất, đảm bảo an toàn cho trẻ. Đối với những doanh nghiệp sản xuất sữa cung cấp cho nhà trường cần được qua kiểm định. Nhà nước đưa ra các chế tài xử phạt thật mạnh, nghiêm minh đơn vị cung cấp sữa không đạt tiêu chuẩn đó. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều hãng sữa cạnh tranh nhau chính vì thế việc kiểm soát chất lượng sữa vào trường là rất quan trọng vì bản thân nhà trường, phụ huynh không thể đánh giá được”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đưa ý kiến.

Để giải quyết bài toán kinh phí cho đề án này cũng như “phủ kín” mọi vùng miền, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu ý kiến, nhà nước nên có vài chính sách khuyến khích mang sữa cho trẻ, có thể là giảm thuế cho các công ty cung cấp sữa cho các trường tiểu học, mầm non.

Lý giải câu hỏi tại sao một đề án được nhiều chuyên gia đánh giá là cần thiết để nâng tầm vóc Việt nhưng hiện nay vẫn chỉ dừng ở việc triển khai diện nhỏ, ông Nhĩ nói: “Một đề án tốt như vậy Bộ GD&ĐT nên vạch kế hoạch ngay. Chính phủ đã mở đường thì mình phải xây dựng lộ trình để triển khai. Quan niệm giáo dục là không chỉ dạy chữ mà còn lo sự phát triển thể chất của trẻ. Và đây là cơ hội tốt để nắm bắt cho trẻ phát triển đầy đủ nhất. Các em có thể lực tốt thì tiếp thu kiến thức sẽ tốt hơn. Tôi thấy tài năng của người Việt Nam không kém, rất thông minh nhưng về thể lực, tầm vóc chúng ta lại quá yếu và nhỏ bé so với các nước bạn”.

Việt Nam có đủ sữa tươi sạch cung cấp cho các em

Trả lời câu hỏi: Liệu nguồn sữa tươi Việt Nam có đủ cung cấp cho đề án sữa học đường không, bà Thái Hương, Chủ tịch TH true MILK – đơn vị khởi động chương trình Nâng cao tầm vóc Việt – khẳng định: "Về nguồn lực sữa, với 12 triệu trẻ em, mỗi ngày, một trẻ là 180ml, như vậy, một năm chúng ta cần khoảng 400 triệu lít sữa. Trong quy chuẩn về sữa học đường chúng tôi đã gửi lên Bộ Y tế thì sữa phải xuất phát từ sữa tươi sạch. TH school MILK là đơn vị đầu tiên ở Việt nam vừa được Bộ Y tế chứng nhận tiêu chuẩn Sữa tươi tiệt trùng dành cho học đường. Hiện tại, TH đã đạt 200 triệu lít sữa/ năm, đến năm 2015, chúng tôi  sẽ có 500 triệu lít sữa. Như vậy, về lượng sữa, chúng ta không thiếu nhưng cần phải có ngay quy chuẩn về sữa để các đơn vị chưa đạt được về tươi, sạch sẽ phải soi vào đó.

Với nguồn lực về tài chính, chúng tôi thấy không còn nằm ở các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đủ lượng về sữa nhưng những bà mẹ có đủ tiền để mua sữa cho con không? Với 12 triệu trẻ nhỏ, trong đề án, chúng tôi đã đưa ra nhiều giải pháp. Trước tiên, vẫn là cơ chế của Đảng, Nhà nước, đó là, cần ban hành cơ chế để khích lệ các doanh nghiệp. Thêm vào đó, trong 12 triệu trẻ em thì chỉ có khoảng 600.000 trẻ thuộc diện nghèo còn lại các bà mẹ đều không phải không có khả năng mua sữa cho con.

Vì thế, chúng ta, ngoài việc miễn 100% tiền sữa cho các trẻ em nghèo thì cũng cần có cơ chế khuyến khích trong việc giảm khoảng 30% giá sữa cho các bà mẹ còn lại ở nông thôn khác để có thể mua sữa cho con. Tôi nghĩ, đề án sẽ thành công, tất cả chúng ta đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con em mình. Hãy chung sức, chung lòng làm cho trẻ em mình một ly sữa tốt nhất với tấm lòng, trái tim của người mẹ."

Theo chuyên gia Năm 2010, lượng sữa nước trên đầu người của một người dân Thái Lan là trên 30lít, Singapore dùng trên 45 lít, còn Ấn Độ là trên 46 lít mỗi năm. Ở Việt Nam, nếu tính số lượng sản xuất sữa trong nước so với tiêu thụ đầu người thì trong giai đoạn 2000-2009, lượng sữa trên đầu người mỗi năm là 13 lít.

 

 

 


Ý kiến của bạn