Hải Anh đã “phá vỡ lời nguyền” quán quân là vũ công nam 3 mùa liên tiếp để giành ngôi vị cao nhất trong cuộc thi “Thử thách cùng bước nhảy – So you think you can dance” hôm 19/12 vừa qua. Chiến thắng của Hải Anh hoàn toàn xứng đáng và thuyết phục. Liệu đam mê, tài năng có giúp Hải Anh tỏa sáng sau cuộc thi hay tiếp tục “rơi vào quên lãng” như rất nhiều vũ công ngôi sao ở các mùa trước?
Đam mê và tài năng thôi chưa đủ
Chương trình Thử thách cùng bước nhảy (TTCBN) mùa thứ tư khép lại bằng một đêm chung kết hoành tráng, màu sắc và giàu cảm xúc. Top 4 thí sinh xuất sắc nhất mùa giải là Hải Anh, Trâm Anh, Hữu Phước, Hà Lộc cùng nhiều thí sinh tham gia cuộc thi các mùa giải đã mang đến cho khán giả những màn trình diễn “mãn nhãn”. Mặc dù không còn sức “nóng” và thu hút đông đảo khán giả quan tâm theo dõi như những mùa đầu tiên nhưng TTCBN 2015 vẫn làm hài lòng khán giả yêu thích môn nghệ thuật múa. Sự đam mê, tình yêu, sự dấn thân, những giọt mồ hôi, nước mắt, cảm xúc vỡ òa vì hạnh phúc, thất vọng, tiếc nuối... đã tạo nên những sắc màu của chương trình.
Liệu Hải Anh - Quán quân TTCBN 2015 có thể tỏa sáng sau khi đăng quang?
Phải thừa nhận một điều rằng, TTCBN đã làm được điều mà trong suốt thời gian dài ngành múa chưa thể thực hiện “đến nơi, đến chốn” là đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng. Nếu như trước đây, nhiều người cho rằng, múa đồng nghĩa với múa balê cổ điển châu Âu hoặc múa minh họa cho ca khúc, những màn nhảy sôi động trên sân khấu thì giờ đây, quan niệm đó đã thay đổi. Múa là môn nghệ thuật đòi hỏi sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, say mê và sáng tạo. Để có được những màn trình diễn bay bổng, nhẹ nhàng trên sân khấu, các vũ công đã phải lao động cật lực trong nhiều giờ. Nghệ thuật múa giờ đây cũng không còn là “căn phòng khép kín” khi khán giả có thể hiểu, đồng cảm với thông điệp nghệ thuật được ẩn chứa đằng sau ngôn ngữ hình thể của diễn viên múa. Từ việc hiểu về múa, khán giả sẽ trân trọng và yêu môn nghệ thuật này.
Một thành công nữa rất đáng ghi nhận của TTCBN là đã tìm kiếm được dàn diễn viên ngôi sao tài năng và tâm huyết. Những cái tên như: Lâm Vinh Hải, Quang Đăng, Tố Như, Huỳnh Mến, Ngọc Thịnh, Sơn Lâm, Phạm Lịch, Đình Lộc, Ngọc Anh, Phan Hiển, Thái Sơn ở ba mùa giải trước và Hải Anh, Trâm Anh, Hữu Phước, Hà Lộc của mùa giải 2015... thực sự tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng yêu nghệ thuật múa. Khán giả có thể cảm nhận được tình yêu, sự “say nghề”, dám dấn thân, cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Tuy nhiên, giống như một nghịch lý, sau khi rời khỏi cuộc thi, dàn diễn viên ngôi sao rất khó có thể tỏa sáng như kỳ vọng của khán giả. Câu chuyện của hai quán quân Ngọc Thịnh (mùa thứ hai) và Sơn Lâm (mùa thứ ba) là ví dụ. Dù đạt ngôi vị cao nhất trong cuộc thi nhưng hoạt động liên quan đến nhảy múa của hai quán quân này không mấy nổi bật chứ chưa nói đến hoạt động “xứng tầm” ngôi vị quán quân.
Lâm Vinh Hải (quán quân TTCBN mùa thứ nhất) và Quang Đăng (Top 4 TTCBN mùa thứ nhất) có độ phủ sóng truyền thông mạnh mẽ nhất trong số những thí sinh tham gia TTCBN. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những vũ công này đã không còn thuần túy về múa mà còn “lấn sân” sang nhiều lĩnh vực khác như điện ảnh, ban giám khảo, biên đạo... Nếu các vũ công nam có lợi thế về ngoại hình tìm kiếm được nhiều cơ hội để đến với công chúng thì những vũ công nữ, dù được đánh giá cao trong cuộc thi như: Ngọc Anh, Phạm Lịch, Hồng Nhung, Tố Như... lại “lặn mất tăm” kể từ sau khi đoạt giải.
Khó có thể tỏa sáng là tình trạng chung của diễn viên múa tài năng Việt Nam hiện nay. Nhiều diễn viên múa từng đoạt giải cao trong các cuộc thi múa trong nước và quốc tế cũng vẫn rất chật vật với những lo toan của cuộc sống thường nhật. Tài năng, đam mê nhưng bấy nhiêu thôi chưa đủ để diễn viên múa tỏa sáng. Để có những show diễn riêng, khẳng định tài năng và dấu ấn của mình, nghệ sĩ múa cần sự hậu thuẫn lớn về tài chính. Đây là rào cản khiến nghệ sĩ múa khó thực hiện ước mơ của mình. Điều này lý giải vì sao, rất ít (có thể nói là hiếm) vũ công Việt Nam tổ chức liveshow về múa. Việt Nam không thiếu vũ công tài năng nhưng lại rất thiếu những tài năng đỉnh cao.
Cần có “đất dụng võ” cho tài năng múa
Thực tế cho thấy, việc đào tạo, phát hiện tài năng múa đã khó nhưng việc để những tài năng múa đó tỏa sáng là việc làm khó hơn nhiều lần. Tài năng không thể tỏa sáng nếu không có “đất dụng võ”, không được khai thác trong một “guồng quay” hoạt động chuyên nghiệp. Những sân chơi chuyên nghiệp như liên hoan, hội diễn, thi tác phẩm múa... chính là nơi phát hiện tài năng múa, đồng thời qua đó tôn vinh giá trị nghệ thuật. Sau hội diễn, hội thi, cần có cơ chế, chính sách, khuyến khích tài năng múa phát triển.
Cần tổ chức chương trình tôn vinh tài năng múa, hỗ trợ những tài năng làm liveshow riêng để khẳng định tên tuổi của mình. Bên cạnh đó, cần có những chính sách đặc thù với tài năng múa như ưu đãi về việc làm, cơ hội làm việc với các chuyên gia giỏi, được tạo điều kiện học tập, nâng cao trình độ ở nước ngoài... Xét cho cùng thì nghệ thuật nói chung, nghệ thuật múa nói riêng có phát triển được hay không phụ thuộc rất lớn vào những tài năng. Nếu phát hiện được tài năng mà không phát huy được thì là sự lãng phí chất xám lớn.
Xét ở góc độ “vĩ mô”, phải sao để nâng cao vị thế của nghệ thuật múa, nâng cao nhận thức của công chúng về múa. Đào tạo khán giả phải bắt đầu từ việc mang đến cái nhìn đúng đắn về nghệ thuật múa, qua đó đánh thức, khơi dậy niềm đam mê của họ với nghệ thuật múa. Khi khán giả đã yêu, đã đam mê nghệ thuật múa, chọn múa là món ăn tinh thần không thể thiếu trong thực đơn giải trí thì nghệ sĩ múa sẽ có “đất dụng võ”. Đôi cánh tình yêu của khán giả cộng với tài năng, sự đam mê, khát khao cống hiến sẽ giúp tài năng múa tỏa sáng...