Một thực tế đáng buồn là sự nở rộ các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc dường như lại tỷ lệ nghịch với sự tỏa sáng của các tài năng. Phải chăng chúng ta đang rơi vào tình trạng “cạn” tài năng hay tài năng đích thực đang lẩn khuất đâu đó chưa có dịp “xuất đầu, lộ diện”?
Thời “cạn” nhân tài âm nhạc?
Cuộc thi Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2016 đã đi được chặng đường khá dài nhưng người xem vẫn chưa tìm được giọng ca thực sự xuất sắc. 12 cái tên nổi bật nhất đã lộ diện sau đêm thi 1/7 vừa qua, bao gồm: Y Lux, Trà My, Thủy Tiên, Thảo Nhi, Thanh Huyền, Janice Phương, Việt Thắng, Bá Duy, Tùng Dương, Quang Đạt, Tuấn Phong, Minh Trị cũng chưa tạo được dấu ấn riêng. Ngay cả Thảo Nhi, quán quân Học viên Ngôi sao năm ngoái cũng bị đánh giá là phong cách biểu diễn chưa toát lên được sức sống của tuổi trẻ.
Đã đi một chặng đường dài nhưng nhiều người đánh giá, Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2016 không có nhiều nhân tố nổi bật. Trong ảnh: Các thí sinh tham gia vòng nhà hát, phát sóng hôm 1/7/2016 vừa qua.
Theo dõi cuộc thi từ những vòng đầu tiên mới thấy, dù có vài chục ngàn thí sinh đăng ký dự thi nhưng rất nhiều trong số đó là những giọng ca “thảm họa”, “không biết mình là ai” hay đơn giản là muốn lên truyền hình để... “tìm vợ”. Những tập vòng loại của Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2016 luôn mang đến cho khán giả những trận cười sảng khoái vì sự “ngô nghê”, “tự tin thái quá” của các thí sinh. Bộ ba giám khảo Việt Nam Idol 2016 là ca sĩ Thu Minh, ca sĩ Bằng Kiều, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng liên tiếp phải nói “không” với các thí sinh và nhấn mạnh rằng, họ đang cần tìm kiếm những thí sinh cá tính và có màu sắc riêng trong giọng hát, tư duy âm nhạc cũng như cách xử lý ca khúc.
Tương tự như vậy, Nhân tố bí ẩn 2016 đang trên đường tìm kiếm thành công nhưng có vẻ vắng thí sinh xuất sắc có thể tạo nên sự đột phá và những tiết mục hấp dẫn. Bộ tứ quyền lực của Nhân tố bí ẩn dù rất “hot” là ca sĩ Thanh Lam, Tùng Dương, Hồ Quỳnh Hương, nhạc sĩ Dương Khắc Linh cũng không thể đảm bảo cho sức hút của chương trình. Một số chương trình tìm kiếm tài năng lên sóng truyền hình thời gian gần đây như Giọng hát Việt, Thần tượng Bolero, Solo cùng Bolero... cũng rơi vào tình trạng tương tự. Thiếu vắng thí sinh tài năng, những gương mặt quen thuộc xuất hiện liên tiếp ở các cuộc thi buộc nhà tổ chức phải dùng đến “chiêu trò” để chương trình bớt nhàm chán. Yếu tố hàng đầu đảm bảo thành công của các chương trình tìm kiếm tài năng chính là tài năng và khi thiếu vắng yếu tố này, chắc chắn chương trình sẽ không đạt được kết quả như mong đợi.
Nở rộ bản sao, thiếu cá tính âm nhạc
Một thực tế không thể phủ nhận là, ngay cả những thí sinh được vinh danh ở ngôi vị cao nhất trong các cuộc thi cũng không mấy người khẳng định được tên tuổi và cá tính của mình. Thảo Nhi, quán quân Học viên ngôi sao năm ngoái là một ví dụ. Dù đã là người chiến thắng ở một cuộc thi tìm kiếm tài năng trên truyền hình nhưng Thảo Nhi vẫn quyết định bước vào vạch xuất phát với vị trí thí sinh dự thi trong chương trình Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2016. Điều đáng nói là, không những chưa thể tỏa sáng trong cuộc thi, Thảo Nhi còn khá chật vật trong việc giành tấm vé bước tiếp vào vòng trong.
Rất nhiều người đặt câu hỏi, quán quân Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2012 Yasuy đang làm gì, ở đâu và đã có cống hiến gì cho nhạc Việt? Sau khi trở thành thần tượng âm nhạc Việt, Yasuy lại trở về điểm xuất phát ban đầu khi không có hoạt động âm nhạc nào đáng chú ý, ngoại trừ những lùm xùm về đời tư. Nhật Thủy, quán quân Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2014 cũng chưa có được những sản phẩm âm nhạc nổi bật. Nhật Thủy đã quyết định tham gia chương trình Gương mặt thân quen 2015 để “hâm nóng tên tuổi”.
Không chỉ có các quán quân của Thần tượng âm nhạc Việt Nam mà các quán quân của Giọng hát Việt cũng chật vật với con đường phát triển của mình. Đức Phúc, học trò của Mỹ Tâm đăng quang cuộc thi Giọng hát Việt 2015 là một ví dụ. Được hậu thuẫn khá mạnh mẽ từ ê-kíp của Mỹ Tâm cũng như lượng fan hùng hậu của ca sĩ “Tóc nâu môi trầm” nhưng Đức Phúc đang tiến những bước chậm rãi. Gần đây, chàng trai trẻ này ít nhiều gợi nhớ khán giả về một quán quân Giọng hát Việt khi xuất hiện trong chương trình Biến hóa hoàn hảo phát sóng trên Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh thứ bảy hàng tuần. Vũ Thảo My, quán quân Giọng hát Việt 2014, hay Hương Tràm, quán quân Giọng hát Việt mùa đầu tiên cũng chưa có hoạt động âm nhạc xứng tầm với ngôi vị cao nhất của cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc.
Bên cạnh đó, thí sinh thiếu cá tính âm nhạc đang là tình trạng chung trong các cuộc thi tìm kiếm âm nhạc hiện nay. Việc các thí sinh có giọng hát, phần trình diễn “na ná” một ca sĩ nổi danh nào đó hay có phong cách giống như các ngôi sao Hàn Quốc hay Mỹ... không phải là trường hợp “hiếm gặp”. Nghệ thuật là lĩnh vực của sáng tạo và muốn thành công, người nghệ sĩ phải tạo được dấu ấn, bản sắc riêng của mình. Nhìn rộng ra, một nền nghệ thuật cũng không thể phát triển nếu thiếu đi những nghệ sĩ có cá tính riêng biệt.
Tôi đang băn khoăn tự hỏi, liệu việc nở rộ những chương trình bắt chước nghệ sĩ như Gương mặt thân quen, Gương mặt thân quen nhí, Ca sĩ giấu mặt, Biến hóa hoàn hảo... có làm thay đổi quan niệm về tài năng đích thực trong showbiz Việt hiện nay hay không. Việc một người cố gắng bắt chước, “nhập vai”, “hóa thân” thành một người khác từ giọng hát, cách trình diễn, gương mặt, đầu tóc... liệu có làm họ đánh mất đi “cái tôi” riêng có của mình. Bên cạnh đó, bắt chước có nên được coi là tài năng hay không? Bước ra từ một cuộc thi bắt chước, thí sinh lại được tung hô, săn đón như một tài năng đích thực. Quan niệm về tài năng thay đổi ắt sẽ ảnh hưởng đến những giá trị đích thực của nghệ thuật...