Hà Nội

Tai nạn lao động ở khu vực ngoài hợp đồng tăng cao

26-04-2019 07:24 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2018, trên toàn quốc đã xảy ra 7.997 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.229 người bị nạn.

Trong đó, khu vực có quan hệ lao động xảy ra 578 vụ TNLĐ chết người, làm 622 người chết. Đáng chú ý là con số TNLĐ trong khu vực người lao động làm việc không có hợp đồng lao động xảy ra 394 vụ làm 417 người chết, con số này tăng cao đột biến so với năm trước và lý do là có thêm nhiều địa phương báo cáo hơn, nghĩa là thực tế vẫn tồn tại nhiều năm nay...

Liên tiếp nhiều vụ TNLĐ

Ông Nguyễn Văn Dũng (47 tuổi; ngụ xã Phú Quới, Long Hồ, Vĩnh Long) - nạn nhân thứ 7 trong vụ sập tường khi đang thi công công trình nhà xưởng tiền chế của Công ty TNHH Bo Hsing (KCN Hoà Phú, huyện Long Hồ) đã tử vong. Trước đó, sáng 15/3, lúc này còn khoảng 10 công nhân đang thực hiện việc tô tường tại bức tường dài hơn 30m, cao hơn 12m thì bức tường bỗng sập, đè lên nhiều người. Vụ tai nạn làm 5 công nhân tử vong tại chỗ, 1 người chết khi vào viện cấp cứu, 2 người còn lại bị thương.

Chiều 2/4, tại một công trường đang thi công một cửa hàng xăng dầu trên địa bàn xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã xảy ra 1 vụ TNLĐ. Khi công trình đang trong quá trình đổ bê tông phần mái, bất ngờ giàn giáo bị đổ sập, kéo theo phần mái đang được đổ bê tông và những lao động đang làm việc tại đây. Đến hơn 20 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng địa phương đã đưa toàn bộ người bị nạn ra khỏi đống đổ nát. Vụ tai nạn làm 1 người chết trên đường đi cấp cứu, 7 người khác bị thương.

Tai nạn lao động ở khu vực ngoài hợp đồng tăng caoVụ sập tường ở công trình xây dựng tỉnh Vĩnh Long khiến nhiều người thiệt mạng.

Không chỉ trong lĩnh vực xây dựng, TNLĐ vẫn liên tiếp xảy ra ở những lĩnh vực khác, đặc biệt là khai thác mỏ, sản xuất vật liệu. Chiều 20/4, tại công trường khai thác đá của Công ty CP Phương Nam (TP. Uông Bí), sau khi nổ mìn phá đá, anh Dương Văn Công đi kiểm tra hiện trường thì bị hàng nghìn khối đất đá trên núi đổ ập xuống vùi lấp. Đến sáng hôm sau, lực lượng cứu hộ đã đưa được thi thể anh Dương Văn Công (sinh năm 1974, quê Kinh Môn, Hải Dương) ra khỏi hiện trường.

Ngành xây dựng luôn “dẫn đầu” TNLĐ

Ngày 11/4, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong năm 2018, cả nước đã xảy ra hơn 7.900 vụ TNLĐ làm 622 người chết, 1.684 người bị thương. Con số trên, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội so với năm 2017 tuy giảm về số vụ và số người chết, song tăng số nạn nhân nữ.

Cả nước xảy ra 17 vụ tai nạn nghiêm trọng tại các địa phương như Cao Bằng, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Trà Vinh, phần lớn trong các ngành xây dựng, khai thác khoáng sản, nổ lò, ngạt khí. Các vụ TNLĐ làm thiệt hại khoảng 1.494 tỷ đồng chi phí tiền thuốc, mai táng, bồi thường cho gia đình người chết và bị thương, ngoài ra, thiệt hại về tài sản nhiều tỷ đồng.

Ngành xây dựng chiếm 15% tổng số vụ TNLĐ, đứng sau là khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu, dệt may và da giày. TNLĐ xảy ra do lỗi của người chủ sử dụng lao động chiếm 46% số vụ với các lý do không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; điều kiện lao động kém; không huấn luyện an toàn hoặc huấn luyện chưa đầy đủ cho người lao động; thiết bị không đảm bảo. Nguyên nhân người lao động vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 18,42 % tổng số vụ. Còn lại là những vụ TNLĐ xảy ra do các nguyên nhân khác như: tai nạn giao thông, nguyên nhân TNLĐ do người khác, khách quan khó tránh...

Đáng chú ý, so với năm 2017, số vụ TNLĐ chết người và số người chết trong khu vực có quan hệ lao động giảm lần lượt là 10,8% và 6,6%. Còn trong khu vực người lao động làm việc không có hợp đồng lao động lại tăng tương ứng là 57,6% và 59,16%.

Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) lý giải về điều này, bởi vì từ ngày 1/7/2016, việc thống kê, báo cáo TNLĐ trong khu vực không có quan hệ lao động bắt đầu được triển khai theo quy định của Luật ATVSLĐ. Năm 2017, mới có 41 tỉnh thực hiện thống kê, năm 2018, con số này đã lên được 52 tỉnh. Điều này cho thấy thực tế là con số vẫn cao từ trước và càng cho thấy rõ lo ngại thực trạng ATVSLĐ.

Một số địa phương đã thực hiện gửi biên bản điều tra TNLĐ đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động như: Thái Nguyên, Đồng Tháp, Phú Thọ, An Giang, Hà Nội, Hòa Bình, TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, công tác điều tra TNLĐ đối với khu vực không có hợp đồng lao động chưa được triển khai đầy đủ theo quy định của pháp luật. Việc lập biên bản ghi nhận TNLĐ đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động của Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai còn rất hạn chế.

Có thể thấy rằng, rất nhiều chủ xây dựng, nhà thầu, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng vì sức ép của tiến độ hoặc tiết kiệm chi phí đã “cởi mở” trong khâu tuyển chọn, ký hợp đồng và tạo điều kiện làm việc theo quy chuẩn cho đội ngũ thợ. Tình trạng nhận lao động tự do làm việc tràn lan không ký giấy tờ một mặt là giảm chi phí, trốn thuế bảo hiểm, mặt khác là để các nhà thầu có thể... “phủi tay” khi xảy ra những TNLĐ nghiêm trọng. Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý cần sớm đưa ra những điều chỉnh nhằm thắt chặt tình trạng này, xử lý nghiêm kể cả về hình sự đối với những quản lý, chủ thầu cố tình vi phạm gây hậu quả.


Hải An
Ý kiến của bạn