Sau 4 năm triển khai Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động đến năm 2010 của Bộ Lao động Thương binh và xã hội (LĐTB-XH), số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng vẫn gia tăng. Theo số liệu báo cáo từ các Sở LĐTB-XH, từ năm 2006-2009 trung bình mỗi năm xảy ra gần 6.000 vụ tai nạn, trong đó có 506 vụ tai nạn lao động chết người làm 570 người chết.
Theo ông Vũ Như Văn, Quyền Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐTB-XH cho biết : Số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng chết người đang gia tăng, bình quân 2,45% mỗi năm so với giai đoạn 2001-2005. Còn nhiều vụ tai nạn lao động bị che giấu, không khai báo nên số liệu còn thấp hơn nhiều so với thực tế. Điều này cũng làm ảnh hưởng tới mục tiêu 100% số vụ tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động nặng được điều tra xử lý. Do nhiều vụ tai nạn bị che giấu, không khai báo nên chỉ có 92% vụ lao động chết người được điều tra xử lý. Việc này chỉ có thể giải quyết được nếu việc báo cáo chặt chẽ hơn thông qua việc thành lập Quỹ bồi thường tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Tai nạn lao động vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội. |
Một số vụ tai nạn lao động điển hình trong năm 2010 như vụ nổ mìn phá đá tại HTX Minh Tâm (Hà Tĩnh) ngày 13/4/2010 làm 2 người chết, 3 người bị thương; vụ nổ nồi hơi xảy ra ngày 9/5/2010 tại Công ty CP chế biến thực phẩm Vĩnh Kiên (Kiên Giang) làm 3 người chết, 15 người bị thương; gần đây nhất là vụ bục nước lò ngày 12/11/2010 làm 3 người bị chết tại phân xưởng của Công ty than Dương Huy (Quảng Ninh). |
Một bất cập khác trong công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động là trong giai đoạn 2006-2009 tỷ lệ số khám bệnh nghề nghiệp trên tổng số lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp mới đạt khoảng 11% với 333.786 lượt người được khám bệnh nghề nghiệp. Mỗi năm, bình quân có thêm khoảng 814 người mắc mới bệnh nghề nghiệp được chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội. Số người mắc mới bệnh nghề nghiệp ở khu vực tham gia bảo hiểm xã hội đã giảm nhưng khó có thể đạt được mục tiêu giảm 10% vào năm 2010. Mục tiêu đảm bảo trên 80% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp được phát hiện bệnh nghề nghiệp được khám phát hiện bệnh là không hoàn thành.
Để khắc phục những bất cập, Bộ LĐTB-XH cho biết, mục tiêu trong giai đoạn giai đoạn 2011-2015 giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người trong các lĩnh vực khai khoáng, xây dựng, sử dụng điện, sản xuất kim loại và sản xuất hóa chất trung bình hàng năm. Hàng năm tăng 5% số cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tăng 5% số người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, tăng 3% số cơ sở được giám sát môi trường lao động; 100% số vụ tai nạn lao động chết người được điều tra xử lý. Hy vọng với sự quyết tâm vào cuộc của các cấp, ngành, tình trạng tai nạn lao động sẽ giảm trong giai đoạn tới.
Thanh Phúc