Thì mới đây, 2 đoạn clip được chia sẻ về 2 trường hợp xe đưa đón học sinh khác nhau tại Đồng Nai, một lần nữa lại làm cư dân mạng trở nên hốt hoảng và lo lắng về chất lượng dịch vụ vận tải đặc thù này.
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền đi 1 đoạn clip về hình ảnh chiếc xe chở học sinh đã cũ, vào cua hất văng 3 học sinh Trường tiểu học Phan Bội Châu xuống đường vì bung chốt cửa hậu, khiến ai cũng giật mình hoảng hốt... Theo tài xế Trần Thúc Định, nguyên nhân chính là do cửa sau đóng chốt chưa vào hết nên khi vào cua theo quán tính chốt bật ra làm bật cửa khiến các em rơi xuống dưới.
Điều đáng nói, tài xế cũng cho biết chỉ có “hợp đồng miệng” với tư cách cá nhân với cô giáo chủ nhiệm, đồng thời thừa nhận sự tắc trách của mình. Nhưng nhà trường lại cho biết đã làm việc với công ty vận tải và có phát ngôn cho rằng do các em học sinh “đùa giỡn” làm bật chốt cửa đã khiến dư luận phẫn nộ dữ dội.
Chỉ 3 ngày sau, khoảng 16h30, xe ô tô loại 16 chỗ ngồi đón học sinh từ Trường tiểu học Diên Hồng (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) khi đang lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Bắc Sơn thì cánh cửa bật mở, làm rớt 2 nam sinh lớp 4 xuống đường. Xe ô tô chạy thêm 50 mét mới dừng lại. Rất may 2 học sinh chỉ bị xây xát nhẹ. Bước đầu cơ quan chức năng ghi nhận chiếc xe ô tô hiệu Mercedes, sản xuất năm 2004, hết hạn kiểm định từ ngày 18/11. Tài xế Cao Tuấn Việt (48 tuổi) cho biết chuyến xe được ông “hợp đồng miệng” với giáo viên chở học sinh mỗi ngày 4 lượt đi và về.
Xe chở học sinh đã cũ vào cua hất văng 3 học sinh Trường tiểu học Phan Bội Châu (Đồng Nai) xuống đường.
Các vụ việc trên đã gióng lên hồi chuông báo động về một thực trạng vốn đã tồn tại âm thầm trong suốt những năm qua về việc dùng xe cũ, xe nát không đảm bảo chất lượng để chở các em nhỏ đến trường và phải đến khi có học sinh văng ra khỏi xe rõ mồn một được ghi lại, phát tán thì dư luận mới bàng hoàng về sự bất lương của một số cá nhân, tổ chức trong công tác đưa đón học sinh.
Điểm chung của 2 phương tiện làm văng học sinh khỏi xe khi đang chạy đều là các phương tiện không đảm bảo chất lượng. Câu trả lời thiếu trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan càng làm dấy lên sự lo ngại cùng những chỉ trích dữ dội về trách nhiệm đảm bảo sự an toàn cho các em học sinh.
Theo các chuyên gia xã hội học, nếu ở các thành phố lớn thì xe đưa đón là cạnh tranh trong vấn đề chiêu sinh. Còn đối với các vùng nông thôn thông thường trẻ em đi bộ đi xe đạp đi học là bình thường, nay có xe ô tô đưa đón họ cho là tốt rồi nên bỏ qua tất cả những yếu tố an toàn. Vấn đề này không sớm muộn cảnh tỉnh thì sẽ xảy ra những hậu qua khôn lường cho các cháu.
Không chỉ vô cùng bức xúc và lo ngại về thực trạng loại hình xe đưa đón học sinh trên cả nước, nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng sau kết cục thương tâm của em nhỏ tại Trường Gateway người ta mới thực sự quan tâm đến những bê bối xung quanh loại hình vận tải đặc thù này. Và khi được quan tâm nhiều thì xã hội mới có thể nhìn nhận thấy rõ nét về bức tranh nham nhở cùng những sai phạm vốn đã tồn tại từ nhiều năm qua trong hoạt động đưa đón học sinh.
Ở đây còn có vai trò, trách nhiệm của Ban an toàn giao thông, các đơn vị hữu quan tại địa phương... phải sớm thanh kiểm tra và đưa ra các cảnh báo ngay từ đầu năm học đến các trường, các đơn vị giáo dục, cả các em học sinh lẫn phụ huynh.
Theo Luật sư Nguyễn Tiến Thủy, Văn phòng Luật sư Việt Lý, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, rất cần đưa ra những quy định riêng cho hoạt động đặc thù này càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, các loại xe chở các cháu đi học cần có màu sắc đặc biệt để mọi người dễ nhận biết. Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Thủy, pháp luật quy định rất chặt chẽ, nếu xe chở học sinh dừng đỗ ở một điểm nào đấy ví dụ như cổng trường học thì toàn bộ các xe khác đều cấm vượt.
Rõ ràng với sự buông lỏng trong quản lý vận chuyển học sinh suốt một thời gian dài cùng hàng loạt những vụ việc đáng tiếc xảy ra đã mang đến bất bình và lo lắng trong dư luận, chính vì thế rất cần xem xét và bổ sung các quy định đặc thù đối với loại hình vận tải này... khi mà nhu cầu đưa đón học sinh bằng ôtô ngày một phổ biến.