Tai nạn hi hữu của một bác sĩ bất tỉnh 7 ngày và... sống lại

02-05-2016 05:44 | Thành tựu y khoa

SKĐS - Ðây là câu chuyện có thật của một bác sĩ, người hiện nay khá “nổi” trong cộng đồng vì những đóng góp cho lĩnh vực chuyên môn và trong những hoạt động từ thiện.

Tôn trọng quyền riêng tư của nhân vật, chúng tôi xin phép ghi lại câu chuyện này và không tiết lộ trên báo danh tính của anh.

Cả nhà ăn Tết độc lập trong bệnh viện

Hôm đó là ngày 31/8/2008, gia đình tôi đi nghỉ lễ độc lập ở Thiên Sơn Suối Ngà. Khu du lịch này ở Ba Vì nằm giữa thung lũng trong khu rừng tự nhiên, khí hậu mát mẻ quanh năm. Nơi đây có nhiều loại thú hiếm như chồn, sóc, nai, trăn, khỉ... các loài chim quý như vẹt, sáo và phượng hoàng, có hồ nước tự nhiên trong xanh, có thể bơi thuyền và câu cá... Tóm lại, là một lựa chọn khá lý tưởng với một bác sĩ hàng ngày quá bận mải với công việc đến nỗi nhiều khi quên cả nghĩa vụ với gia đình, vợ con như tôi.

Tổ ong rất to (1-2m) trên cây.

Cái buổi chiều định mệnh ấy, khi tôi đang cùng cả nhà đi về phía hồ nước trong khu nghỉ dưỡng thì bỗng thấy buốt nhói trên đầu. Theo phản xạ, tôi lập tức đưa tay lên đầu chỗ đang nhói lên thì túm được một nắm ong, vội vàng ném mạnh ngay xuống đất. Lúc này xung quanh tôi hình như cũng có vài khách du lịch đang kêu lên là bị ong đốt.

Tôi nói hình như là bởi vì, lúc đó hầu như tôi không còn nghe thấy gì xung quanh nữa. Cảm giác đau tăng nhanh dữ dội. Đau muốn phát điên lên. Tôi lao như bay về phía nhà điều hành của khu du lịch, hỏi xem họ có nước hay xà phòng hay cồn i-ốt... Trong cơn đau rung chuyển cả cơ thể, tôi chỉ nghĩ ra được có thế. Họ đáp chỉ có đá trong tủ lạnh. Tôi vội vã áp đá lên chỗ vết thương trên đầu và  bảo mọi người lập tức thu xếp về Hà Nội ngay.

Trên xe, cả người tôi như muốn nổ tung vì đau quá. 4 người đàn ông trong đoàn phải đè tôi xuống, nếu không tôi sẽ lồng lộn trong xe đúng như kẻ mắc bệnh dại.

Xe đi được một đoạn nữa, tôi hầu như không thể chịu nổi nên mọi người chở thẳng tôi vào Bệnh viện Quân y 105 tại Sơn Tây. Tại đây, bác sĩ tiêm cho tôi morphin để giảm đau. Sau đó, họ gọi cho Giám đốc Bệnh viện đa khoa Sơn Tây nhờ phối hợp... ứng cứu. Tôi được đặt đường truyền, cho thở ôxy và tiêm thuốc chống dị ứng.

Sau một thời gian, tôi bắt đầu xuất hiện ảo giác, khó thở, nằm nhìn lên trần nhà cảm thấy nó đang trôi đi loang loáng trước mắt mình...

Gần 7 giờ tối, tôi cảm thấy không ổn nên xin xe cấp cứu chở mình về Hà Nội. Lúc này tôi may mắn còn thực hiện được một hành động tỉnh táo cuối cùng là điện thoại cho 2 chuyên gia trong lĩnh vực mà tôi biết là mình sẽ rất cần, thông báo vắn tắt về tình trạng của bản thân trước khi chìm hẳn vào mê man. Đó là GS.TS. Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai và PGS.TS. Phạm Duệ, lúc ấy đang là Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Tất cả những gì diễn ra trong 7 ngày kinh khủng đó của tôi, hoàn toàn do các bác sĩ và người nhà kể lại.

Vào đến viện, do đã có liên lạc trước, trường hợp của tôi được bỏ qua mọi thủ tục hành chính. Các thầy thuốc đã gội đầu cho tôi bằng xà phòng ba-giơ để trung hòa độc tố, nhặt nọc ong từ vết thương... Có cả thảy 22 cái nọc ong được nhặt ra.

Ngày thứ hai nằm viện, tôi bị xuất huyết toàn thân, cả người thâm đen lại. Men tiêu hủy cơ vân của tim tăng gấp 30 lần.

Trong 7 ngày mê man bất tỉnh đó, các bác sĩ đã phải thay đổi phác đồ điều trị vài lần, dựa trên những đáp ứng của cơ thể tôi. Họ đã thực hiện hội chẩn phối hợp giữa nhiều chuyên khoa: Chống độc, Hồi sức cấp cứu, Tim mạch, Thận... Máy lọc máu cũng đã được chuẩn bị nhưng may mắn, tôi không phải sử dụng biện pháp đó.

Đến ngày thứ 7, tôi hồi tỉnh. Mở mắt, thoạt tiên tôi không thể nhớ ngay ra là mình đang ở đâu. Chỉ biết trên người đang có 6 dây truyền: 1 cái ở cổ, 2 cái ở tay, 2 cái ở chân, còn 1 là cho việc bài tiết.

Vợ tôi mếu máo: Anh ơi, vậy là nhà mình đã ăn Tết độc lập trong bệnh viện.

Các bác sĩ gọi trường hợp của tôi là một hiện tượng kỳ diệu của y học.

Buồn cười nhất là bệnh nhân nằm cạnh giường tôi trong căn phòng cách ly đó. Anh ta tự tử bất thành. Khi tôi đã hoàn toàn tỉnh táo, anh ta bảo: Số anh hên đó, giường của anh hôm trước vừa có bệnh nhân bị khênh ra (tử vong).

Lấy ngòi ong đứt lại trên da. (Ảnh: Internet)

Tích cực làm từ thiện sau tai nạn hi hữu

Kỳ lạ, sau tai nạn ong đốt kinh khủng đó, căn bệnh đau dạ dày mạn tính từ năm 19 tuổi của tôi lui hẳn. Chụp phim, các vết loét cũng hoàn toàn biến mất. Giấc ngủ cũng tốt hơn trước rất nhiều.

Trước đây, với cương vị của một bác sĩ, tôi có tham gia một vài chuyến công tác từ thiện. Sau sự cố kể trên, tôi tích cực gấp vài lần trong những hoạt động này. Tôi luôn thầm biết ơn đời vì cho đến giờ mình vẫn sống, khỏe mạnh. Dĩ nhiên, tôi hiểu rằng những kiến thức của một bác sĩ cộng với những mối quan hệ trong ngành đã giúp tôi vượt qua tai nạn một cách ngoạn mục.

Giờ đây, tôi nhìn mọi việc xảy ra trong đời thật sự bình thản, tuy rằng chưa đến cái tuổi “tri thiên mệnh”. Đã từng được đặt vào giữa ngưỡng của sự sống và cái chết, tôi thấm thía rằng, cuộc sống rất nhanh, sáng đang còn đi chơi, chiều đã có thể... đi gặp các cụ tổ tiên. Trước cái chết, mọi so đo, tính toán, bực dọc, hằn học... trong cuộc sống đều trở nên quá bé nhỏ. Đúng không các bạn?


Võ Hồng Thu (ghi)
Ý kiến của bạn